Hoạt động của ngành

Hướng phát triển mới cho du lịch Quản Bạ, Hà Giang

Cập nhật: 08/03/2011 14:10:59
Số lần đọc: 2735
Quản Bạ là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho những cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng. Do kiến tạo của vỏ trái đất đã hình thành nhiều diện mạo địa chất độc đáo như hang Khố Mỷ (Tùng Vài), dòng sông Miện (Cán Tỷ), thác Suối Tiên (Thái An), Miền Đá (Quyết Tiến); với các dãy núi đá vôi xen với núi đất nguyên sinh như núi Ba Tiên (Thái An), Núi Đôi (thị trấn Tam Sơn), đặc biệt huyện được tận hưởng một môi trường trong sạch, khí hậu quanh năm mát mẻ được ví như Sa Pa thứ 2 của miền Bắc Việt Nam.

Cùng 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán truyền thống, tín ngưỡng riêng tạo nên một di sản văn hoá vật thể, phi vật thể không phải ở đâu cũng có, như lễ hội Gầu Tao, cấp sắc, hát giao duyên của dân tộc Dao; tiếng hát then với cây đàn tính của dân tộc Tày; lễ hội cầu mùa của dân tộc Nùng... Bên cạnh đó, Quản Bạ còn có các sản phẩm nổi tiếng như Rượu ngô Thanh Vân, hồng không hạt, thảo quả muối, chè Tùng Vài, thổ cẩm Lùng Tám, cùng với những sản phẩm văn hoá tinh tế như thổ cẩm, khèn, sáo được làm ra từ những bàn tay tài hoa, điêu luyện của đồng bào ở các làng nghề trong huyện... Đó là tiềm năng, lợi thế lớn làm nền tảng cho huyện Quản Bạ phát triển du lịch một cách bền vững.

Để khai tác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, huyện Quản Bạ đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2010, cụ thể: Tập trung huy động các nguồn lực, phát huy nội lực, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất; hệ thống chợ, đường giao thông đến các điểm du lịch; tôn tạo Núi Đôi, hang Khố Mỷ, khai thác các hang động của địa phương, trồng rừng cảnh quan tại các điểm quy hoạch vùng, mở rộng các tuyến xây dựng, khôi phục lai những Làng văn hoá du lịch cộng đồng người Tày, người Dao, Mông gắn với cảnh quan thiên nhiên, làng nghề truyền thống... Tập trung khai thác hiệu quả chợ trung tâm huyện lỵ trở thành chợ đầu mối cung cấp hàng hoá cho các chợ nông thôn, chợ biên giới, giao lưu trao đổi mua bán và phát triển dịch vụ sản xuất, dịch vụ đời sống ở các vùng trong huyện; nâng cao sức cạnh tranh một số sản phẩm, lựa chọn một số sản phẩm có giá trị kinh tế đưa vào sản xuất, chế biến thành hàng hoá có chất lượng phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách thăm quan. Cùng đó là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực du lịch có chuyên môn, nghiệp vụ vững chắc. Thiết lập mạng lưới kinh doanh, tăng cường liên kết, liên doanh với các cơ quan nghiên cứu khoa học để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; đẩy mạnh khuyến khích đầu tư, hoạt động TM - DV, áp dụng các biện pháp ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư, chính sách ưu đãi về phát triển thương mại, du lịch miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng; miễn thuế năm đầu cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động chưa có lãi. Huy động mọi nguồn lực, mở rộng liên doanh, thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí; xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, Làng văn hoá du lịch đủ tiêu chuẩn về ăn, nghỉ. Nhằm từng bước cụ thể hoá những mục tiêu trên, mới đây nhất vào ngày 16/2/2011, UBND huyện Quản Bạ đã ký kết với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội trong lĩnh vực hợp tác phát triển du lịch. Theo đó trong năm 2011, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội sẽ giúp huyện Quản Bạ xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo mang bản sắc địa phương; tiến hành quy hoạch, xây dựng các chương trình, tuyến, điểm du lịch giữa các vùng miền; tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua hoạt động truyền thông, hội chợ, triển lãm. Hỗ trợ huyện đẩy mạnh việc quảng bá, thu hút đầu tư, khai thác giá trị của di sản Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam đã được UNESCO công nhận; hỗ trợ công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức các hội nghị mang tính Quốc gia, Quốc tế nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện...


Biết khai thác thế mạnh, tiềm năng bằng những giải pháp đúng hướng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng miền, từng thời điểm... hy vọng trong những năm tới huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công trong lĩnh vực thương mại, du lịch, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục