Hà Giang: Để hoạt động du lịch - dịch vụ phát triển bền vững
Thực tế đã cho thấy trong năm qua, lượng khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng nhiều, bởi họ đến với Hà Giang, mảnh đất nơi địa đầu của tổ quốc không chỉ được tận hưởng những món ăn dân gian truyền thống và những sản phẩm độc đáo của chính con người Hà Giang làm ra, mà còn được ngắm nhìn, thưởng ngoạn những dãy núi đá cao chọc trời, những con sông mảnh như những dải lụa mềm nằm len lỏi dưới chân những dãy núi đá. Sự huyền bí đến kỳ diệu đó đã đánh thức sự tò mò của du khách mỗi khi đến với Hà Giang. Mặc dù cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch dịch vụ của tỉnh ta còn chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế hiện nay, nhưng trong năm qua hoạt động du lịch và dịch vụ cũng đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Với con số 301.334 lượt người đến du lịch tại tỉnh ta trong năm qua đã cho thấy số lượng khách du lịch đến Hà Giang tăng 20,6% so với năm 2009, đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch của tỉnh ta trong những năm tiếp theo. Doanh thu từ dịch vụ du lịch cũng ngày càng tăng, trong năm 2010 doanh thu đạt 308,9 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2009. Đặc biệt lượng khách quốc tế đến du lịch trên địa bàn tỉnh ta đạt 48.030 người, riêng khách du lịch Trung Quốc đến Hà Giang ước đạt 44.108 lượt người. Số lượng khách quốc tế, không kể khách Trung Quốc đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ trong năm qua đạt 3.922 lượt khách, tăng 11% so với năm 2009, lượng khách này chủ yếu đi du lịch tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, các huyện phía Tây như Hoàng Su Phì, Xín Mần...Đặc biệt sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu thì lượng khách du lịch muốn đến đây để thưởng thức vẻ đẹp của Cao nguyên đá ngày một tăng lên. Khách nội địa đến với Hà Giang trong năm đạt 253.304 lượt người, tăng 26,4% so với năm 2009. Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa đó là Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Hà Giang và Công ty Cổ phần thương mại – du lịch – xăng dầu – dầu khí Hà Giang. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành đang từng bước phát huy có hiệu quả về quảng bá hình ảnh của Công ty và khai thác các nguồn khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời đưa khách đến với du lịch Hà Giang.
Để thu hút khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng nhiều hơn, trong những năm qua tỉnh ta cũng đã triển khai xây dựng nhiều điểm du lịch để khách du lịch đến chơi, tham quan. Hiện nay toàn tỉnh có 29 làng du lịch cộng đồng được công nhận và đi vào hoạt động, tuy nhiên lượng du khách đến các làng vẫn còn chưa nhiều. Một số làng văn hóa du lịch cộng đồng đã thu hút khách đến tham quan thường xuyên như: thôn Tha, xã Phương Độ; thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện của Thành phố Hà Giang; Làng văn hóa du lịch Mông hoa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn; làng dân tộc người Pà Thẻn, huyện Quang Bình...Hiện nay một số điểm du lịch thu hút khách đến du lịch đến tham quan, tìm hiểu, nghỉ dưỡng nhiều nhất là Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm các danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử như: Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng, cổng trời Quản Bạ, núi đôi... các khu du lịch sinh thái như khu du lịch Panhou, Thạch Lâm Viên, Trường Xuân...Một số điểm du lịch tâm linh như: Đền Đôi cô cầu Má, đền Mẫu Sơn, đền Thác Con, chùa Bình Lâm, chùa Sùng Khánh. Ngoài ra các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc được người dân tổ chức cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của khách du lịch nội địa cũng như quốc tế như: Lễ hội Cầu Mùa, Cấp Sắc của người Dao xã Cao Bồ (Vị Xuyên)’ lễ Hội Lồng Tồng của người Tày Quang Bình; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Lễ hội chọi trâu xã Trung Thành (Vị Xuyên). Một lễ hội được đánh giá là độc đáo nhất và là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á do các hãng truyền thông bầu chọn đó là Lễ hội Chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc).
Cùng với các điểm du lịch, các cơ sở lưu trú và các dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch cũng phát triển ngày càng nhiều, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và giải trí cho khách du lịch. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 100 cơ sở lưu trú, với tổng số 1.340 phòng, trong đó có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 9 khách sạn 1 sao, còn lại là nhà nghỉ, 29 làng văn hóa du lịch cộng đồng đã đáp ứng được nhu cầu lưu trú cho du khách, công xuất sử dụng phòng đạt 65 – 70%, số lao động phục vụ tại các cơ sở lưu trú là 357 người, trong đó số lao động đã qua đào tạo 167 người, chưa qua đào tạo 190 người. Nhìn chung các cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về kinh doanh lưu trú du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, thái độ và quy trình phục vụ. Đặc biệt chú trọng đảm bảo các tiêu chí về trang thiết bị trong cơ sở, kịp thời thay thế, sửa chữa khi có tình trạng xuống cấp, hư hỏng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. Một số cơ sở đã quảng bá du lịch Hà Giang thông qua trưng bày các tờ rơi, bản đồ tập gấp, bản tin du lịch và treo băng zôn đón khách khi có yêu cầu. Bên cạnh đó chất lượng dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng đã được chú trọng, đặc biệt là các cơ sở đã có cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm, cam kết bảo vệ môi trường, giá cả các dịch vụ ăn uống được bảo đảm không tăng giá trong những dịp lễ tết. Toàn tỉnh có 228 nhà hàng với khả năng phục vụ 2.089 bàn ăn, số lao động tại các nhà hàng là 626 người, trong đó qua đào tạo là 144 người, chưa qua đào tạo là 482 người. Các nhà hàng trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu phục vụ các món ăn thông thường, chưa đủ điều kiện về trang thiết bị và kỹ thuật chế biến phục vụ các đối tượng khách có khả năng chi trả cao như đối với khánh đến từ châu Âu, châu Mỹ. Trình độ kỹ năng phục vụ của đội ngũ nhân viên phục vụ còn thấp ít được đào tạo chuyên sâu, thiếu các món ăn mang tính chất đặc sản, đặc trưng của tỉnh để giới thiệu cho khách du lịch...
Để hoạt động du lịch dịch vụ của tỉnh ta ngày càng phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu hiện nay của xã hội, năm 2011 tỉnh cũng đã có những giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn từ 2010 – 2020. Tiếp tục lập kế hoạch, chương trình điều tra nguồn nhân lực du lịch của tỉnh và có kế hoạch phát triển, triển khai công nhận các cơ sở dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời điều tra đánh giá và rà soát toàn bộ các dự án du lịch tại các khu, điểm du lịch đã quy hoạch trên địa bàn, xúc tiến du lịch, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Mặt khác mở các lớp tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch và biểu diễn văn nghệ cho các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, tập huấn quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ cấp huyện, cán bộ của các ban quản lý, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch cho đối tượng là cán bộ thuộc các sở, ngành, chiến sĩ công an và biên phòng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững và lâu dài...