Tin tức - Sự kiện

Du Lịch Việt Nam từng bước khởi sắc

Cập nhật: 04/07/2008 08:07:42
Số lần đọc: 1609
Du lịch Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn ban đầu, đó là du lịch khám phá, nên nhiều khi khách nước ngoài đến Việt Nam một lần rồi thôi. Muốn thu hút du khách quay trở lại Việt Nam thì chúng ta cần phải đa dạng hoá các loại hình du lịch giúp du khách đến tìm tòi, nghiên cứu bản sắc văn hoá độc đáo của Việt Nam…

Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, ngành Du lịch đang góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quốc dân, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Đối với Việt Nam, mục tiêu chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam 2008 - 2010 là trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác có hiệu qủa lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử; huy động tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển mạnh hơn khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Từng bước đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch hấp dẫn, phấn đấu sau năm 2010, Du lịch Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành Du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

 

Có thể nói, du lịch Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn ban đầu, đó là du lịch khám phá, nên nhiều khi khách nước ngoài đến Việt Nam một lần rồi thôi. Muốn thu hút du khách quay trở lại Việt Nam thì chúng ta cần phải đa dạng hoá các loại hình du lịch giúp du khách đến tìm tòi, nghiên cứu bản sắc văn hoá độc đáo của Việt Nam, đồng thời mở rộng các trung tâm trao đổi hàng hoá, mua bán nhằm thu hút khách đến mua bán, tham quan… Tuy nhiên, một trong những yếu tố để phát triển du lịch là nguồn nhân lực. Có thể nói, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đang phát triển rất nhanh bởi vì ngành Du lịch cũng đang trên đà phát triển. Mặt khác, tính xã hội hoá của ngành Du lịch cũng rất cao cho nên có nhiều người tham gia vào công tác du lịch. Tuy nhiên, quan niệm của nhiều người cho rằng, ai cũng có thể làm được du lịch. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Bởi vì muốn làm tốt một ngành nghề gì thì phải học, rèn luyện. Vì thế làm du lịch thì cần phải học hỏi.

 

Chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, nhiều người đang làm việc trong ngành Du lịch chưa có chuyên môn cao. Nhiều hướng dẫn viên chưa nắm rõ về nền văn hoá của đất nước, giao tiếp bằng ngôn ngữ nước ngoài còn yếu… Điều này khó có thể làm cho du khách hài lòng. Vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo đội ngũ này làm việc có tính chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp du lịch có thể đào tạo nguồn nhân lực của mình bằng cách giao việc cho họ và để họ tự khắc phục và nâng cao nghiệp vụ khi gặp phải sai sót. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên phát huy hệ thống đào tạo tại chỗ về du lịch cho thật tốt như: những người nào có kinh nghiệm nhiều thì truyền đạt lại cho người có ít kinh nghiệm hoặc người mới bước vào nghề. Mặt khác, hệ thống trường đại học, cao đẳng đào tạo về du lịch cũng nên đổi mới phương thức giảng dạy. Đổi mới cơ bản công tác quản lý và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch như: Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo theo chuẩn hóa quốc gia cho ngành du lịch cũng là vấn đề cần tính đến. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ du lịch tiên tiến phục vụ phát triển du lịch bền vững…

 

Một số ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần dành kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực du lịch của mình. Các doanh nghiệp không nên cho vấn đề này quá tốn kém mà hãy nghĩ là khi doanh nghiệp mình bỏ ra 1 đồng đào tạo thì sẽ thu về 10 đồng. Bởi vì khi đội ngũ du lịch được phát triển đầy đủ về tri thức, kỹ năng thì sẽ làm hài lòng du khách đến với Việt Nam. Một khi đã hài lòng thì có thể khách du lịch nước ngoài sẽ quay trở lại Việt Nam ở những lần sau nữa. Mặt khác, chúng ta cũng nên thuê các chuyên gia nước ngoài xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài.  Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã huy động các nguồn vốn để phát triển ngành du lịch  bằng  vốn hỗ trợ cho phát triển du lịch gồm nhiều nguồn khác nhau, trong có vốn do Chính phủ tài trợ và vốn nước ngoài. Vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng là nguồn vốn của Chính phủ. Hàng năm số vốn này tăng dần. Ví dụ như năm 2000, Chính phủ hỗ trợ 226 tỷ đồng và cho đến năm 2006 tăng lên khoảng 600 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ này nhằm nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch như: Nâng cấp hệ thống điện, nước, đường xá, xử lý môi trường. Có thể nói, với việc hỗ trợ như thế này, cơ sở hạ tầng cho du lịch của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, tạo một môi trường tốt để thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Để đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký Hiệp định tài chính cho Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam giai đoạn 2003-2008 trị giá 12 triệu Euro. Trong đó, EU đóng góp 10,8 triệu Euro; Việt Nam đóng góp 1,2 triệu Euro. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì ngành Du lịch phải huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, vốn ODA viện trợ của các nước dành cho Việt Nam để phát triển du lịch

 

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng có nhiệm vụ kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển du lịch. Muốn làm được việc này thì Hiệp hội có trách nhiệm liên kết các doanh nghiệp du lịch lại với nhau để cùng phát triển như: Thông qua các chương trình hoạt động quốc gia về du lịch, cùng nhau tổ chức các hội chợ, kết nối giữa các hiệp hội ở các địa phương…

 

Chiến lược phát triển du lịch từ nay đến năm 2010 được Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện đến nay số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng tương đối mạnh. Năm 2006 là 3,5 triệu người; năm 2007 là 4 triệu người. Trong năm 2008 này, Việt Nam phấn đấu đạt 4,8 triệu lượt người. Khách nội địa từ 15 đến 16 triệu lượt người, thu nhập du lịch đạt trên 2 tỷ USD. Năm 2010: Khách quốc tế vào Việt Nam từ 6 đến 6,5 triệu lượt người, khách nội địa từ 25 đến 26 triệu lượt người thu nhập du lịch đạt 4 đến 4,5 tỷ USD. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của ngành Du lịch bình quân giai đoạn 2008 - 2010 đạt từ 11 - 11,5%/năm.


Để thực hiện được những nhiệm vụ đề ra, Việt Nam đang phấn đấu khai thác tốt khách du lịch từ các thị trường quốc tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tây Âu, Bắc Mỹ, chú trọng các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Anh; kết hợp khai thác các thị trường ở Bắc Á, Bắc Âu, Australia, New Zealand, và Đông Âu. Thực hiện xã hội hoá trong việc đầu tư, bảo vệ, tôn tạo các di tích, cảnh quan môi trường, các lễ hội, hoạt động văn hoá dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.

Nguồn: Website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT