Hoạt động của ngành

"Đánh thức" tiềm năng du lịch Bát Xát, Lào Cai

Cập nhật: 17/06/2011 15:05:52
Số lần đọc: 2562
Huyện Bát Xát nằm trên địa hình cao dần, bị chia cắt mạnh, núi cao, thung lũng sâu, nhiều khe suối, rừng nguyên sinh, cùng với bản, làng nằm bên sườn núi, dưới thung sâu tạo sự bí ẩn, hoang sơ nơi miền sơn cước đối với những người ưa khám phá du lịch.

Khách du lịch thăm chợ Mường Hum.             Ảnh: Ngọc Bằng

Vượt cung đường trên 100 km cua tròn như mâm xôi từ Bản Vược lên Mường Hum, Ý Tý vòng về Trịnh Tường mang lại cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm. Bên cạnh những nét độc đáo về thiên nhiên, cảnh sắc, Bát Xát còn ẩn chứa kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: Giáy, Dao, Mông, Hà Nhì... Mỗi dân tộc có tập tục sinh hoạt, lễ hội riêng được tổ chức vào các mùa trong năm như: Lễ hội xuống đồng của dân tộc Giáy, Hội cúng rừng của người Hà Nhì... Ngoài ra, còn các làn điệu dân ca, dân vũ như: hát giao duyên, múa khèn và các trò chơi dân gian được lưu truyền, gìn giữ và phát huy đã thực sự cuốn hút du khách đến với Bát Xát. Từ nhiều năm nay, nhiều du khách nước ngoài đã biết đến Bát Xát qua con đường du lịch khám phá. Nhiều đoàn khách đã dành nhiều thời gian tham gia các sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở các làng, bản ở Bát Xát.

 

Nhằm "đánh thức" tiềm năng du lịch, Bát Xát đang nỗ lực khôi phục, phát huy những nét đẹp văn hoá, mở các tua, tuyến nhằm thu hút du khách. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Bát Xát đã xây dựng chiến lược phát triển nhằm tạo hình ảnh mới về du lịch nơi đây. Để làm được điều này, huyện đang từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước về du lịch, bố trí cán bộ chuyên trách về du lịch, mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác du lịch, trưởng thôn, bản, các gia đình nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch. Xác định thế mạnh của Bát Xát là du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, huyện đã phát triển du lịch theo hướng xã hội hoá, huy động các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia. Trên cơ sở đó, nhiều chính sách ưu tiên "kích cầu" du lịch được triển khai, lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, huyện coi trọng tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, huyện đã xây dựng, ra mắt nhiều làng văn hoá du lịch cộng đồng nằm trên các tuyến du lịch tạo thành chuỗi các điểm liên kết. Hiện có 5 điểm du lịch tạo thành các điểm vệ tinh xung quanh để phục vụ khách du lịch nước ngoài khi đến tham quan, tìm hiểu giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Các điểm du lịch: Lũng Pô - "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" gắn với làng văn hóa du lịch Mông tại thôn Lũng Pô II; du lịch cộng đồng thôn Lao Chải - nơi cội nguồn văn hóa người Hà Nhì tại Lào Cai; du lịch cộng đồng tại cụm thôn trung tâm xã Dền Sáng gắn với văn hóa dân tộc Dao đỏ; du lịch chợ Mường Hum gắn với văn hóa chợ vùng cao; du lịch trung tâm xã Bản Xèo gắn với văn hóa dân tộc Giáy… sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thường xuyên của khách nước ngoài.

Mặc dù Bát Xát có những tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, nhưng hiện nay vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa thực sự thu hút khách du lịch và tạo ra doanh thu lớn cho huyện. Với chủ trương phát triển du lịch, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong thời gian tới, hình ảnh về một vùng du lịch hoang sơ, đậm chất văn hoá ở Bát Xát sẽ được quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục