Hoạt động của ngành

Khánh Hòa: Nỗ lực vì một điểm du lịch biển an toàn

Cập nhật: 28/06/2011 10:04:43
Số lần đọc: 3192
Những năm gần đây, lượng khách đến tham quan du lịch trên các tuyến biển, đảo ở Khánh Hòa ngày càng tăng, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng các loại phương tiện vui chơi giải trí có xu hướng ngày càng nhiều.

Trước thực tế đó, các chủ doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang phát triển thêm nhiều loại phương tiện thể thao giải trí để phục vụ kinh doanh. Hiện có 11 doanh nghiệp tham gia loại hình này với nhiều dịch vụ vui chơi giải trí như: Ca-nô kéo dù, mô tô nước (Jestky), lướt ván, bơi lặn, thuyền buồm.

 

Có thể nói, việc phát triển các phương tiện thể thao giải trí đã góp phần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển, tạo nên sự phong phú, đa dạng các loại hình du lịch. Song, bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đó là: nhiều phương tiện đưa vào hoạt động không đăng ký, đăng kiểm theo quy định; người hướng dẫn, người điều khiển phương tiện không có hoặc có bằng chứng chỉ chuyên môn nhưng không phù hợp. Đáng chú ý là tình trạng vi phạm về trật tự an toàn giao thông, gây tai nạn với hậu quả nghiêm trọng, gây dư luận bất bình trong quần chúng nhân dân và du khách… Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý của các ngành chức năng chưa chặt chẽ; tính tự giác của các chủ doanh nghiệp, đội ngũ hướng dẫn viên và người điều khiển phương tiện chưa cao; các phương tiện thường hoạt động với tốc độ cao trong môi trường, điều kiện tiệm cận với các bãi tắm tập trung đông du khách. Trong khi đó, người điều khiển phương tiện đa phần là du khách không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, khả năng xử lý, quan sát kém nên nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông trên đường thủy rất lớn. Thực tế cho thấy, năm 2007, trên tuyến thủy nội địa thuộc vịnh Nha Trang đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 3 người chết, 2 người bị thương; trong đó phương tiện ca-nô kéo dù, mô tô nước gây ra 3 vụ (chiếm 75% tổng số vụ), làm 2 người chết, 2 người bị thương.

 

Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Chi cục Đăng kiểm 5 trực tiếp đối thoại, làm việc với các chủ doanh nghiệp kinh doanh phương tiện vui chơi giải trí nhằm chấn chỉnh các hoạt động vui chơi giải trí trên biển; công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện; tổ chức ký cam kết chấp hành; thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường thủy nội địa và quy chế tạm thời về “Quản lý các hoạt động giải trí thể thao trên biển” của UBND tỉnh. Phòng Cảnh sát đường thủy còn tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn Luật Giao thông đường thủy nội địa với hình thức phong phú, đa dạng như: Thành lập các tổ công tác liên ngành trực tiếp gặp gỡ làm việc, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành và thực hiện đúng các quy định của pháp luật; xây dựng nhiều phóng sự, bảng ảnh để phản ánh thực trạng hoạt động cũng như khuyến cáo các nguy cơ tiềm ẩn của loại phương tiện này để chủ doanh nghiệp, người tham gia giao thông biết, phòng tránh; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát các điểm du lịch, các bãi tắm, kịp thời thông báo vi phạm của phương tiện để chủ phương tiện, người tham gia giao thông biết, phòng tránh tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tăng cường tuần tra kiểm soát, qua đó phát hiện lập biên bản, xử phạt hành chính 5 trường hợp với số tiền 11 triệu đồng; tạm giữ 2 ca-nô kéo dù, 2 mô tô nước.

 

Nhờ tích cực triển khai các biện pháp quản lý nên tình hình hoạt động của phương tiện thể thao vui chơi giải trí đã từng bước đi vào nề nếp; tai nạn giao thông được kiềm chế, góp phần đưa Nha Trang - Khánh Hòa thực sự là điểm du lịch biển an toàn.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Cùng chuyên mục