Hoạt động của ngành

An Giang: Khai thác du lịch từ ẩm thực

Cập nhật: 27/06/2011 15:17:49
Số lần đọc: 5556
Ẩm thực là một yếu tố không thể thiếu trong các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch, vì vậy mà các nơi thường tranh thủ tìm các món đặc sản của địa phương mình để thu hút du khách. Đó có thể là những món ngon xuất phát từ nguyên liệu địa phương, hoặc ít nhất cũng được chế biến theo phong cách đặc trưng của mỗi vùng, miền.

Trong số nhóm ẩm thực độc đáo đó, cái đặc sắc của An Giang là có những món ngon gắn với nhiều địa danh, mà du khách không quên tìm về để thưởng thức mỗi lần có dịp quay lại An Giang!

Tại chợ Trung tâm Châu Đốc hay ở Khu du lịch núi Sam, người sành ăn thường dễ dàng tìm ra các quán ăn bán món bún mắm hoặc lẩu mắm, một loại thức ăn có nguồn gốc từ món mắm kho ngày trước. Do nổi tiếng với nghề chế biến mắm truyền thống hơn trăm năm qua, người dân Châu Đốc rất tài tình trong việc biến tấu mắm thành nhiều món ăn hấp dẫn. Với hàng chục loại cá có thể làm thành món mắm mà mỗi thứ đều có cái ngon riêng của nó, người ta dùng mắm cá linh, cá sặc đem kho rục rồi lược lấy nước, bỏ xác mắm. Phần nước được gạn lấy sẽ tiếp tục được đun nấu với nhiều loại gia vị, trong đó không thể thiếu các món xả, ớt đã được băm nhỏ. Khi nước đã cô đặc ở một độ vừa phải, người ta chọn những khoanh cá basa trắng phau, những miếng thịt ba rọi hoặc các loại hải sản như tôm, mực cho vào nồi, đun lửa riu riu cho sắc lại để chất mắm và cá thịt có độ hòa quyện vào nhau. Cà tím là món rất được ưa chuộng để kho mắm được cho vào sau cùng, để khi chín xẻ ra, trong làn khói nghi ngút , lớp vỏ cà thẩm thấu chất mắm với độ mặn vừa phải, trong khi ruột cà vẫn ngọt lịm làm tăng khẩu vị cho người thưởng thức.

Ngoài ra, Châu Đốc cũng nổi tiếng với món bún cá được nấu bằng cá lóc với ngải bún, nêm nếm bằng cốt mắm, đường thốt nốt nên có hương vị rất riêng. Hoặc bún kèn dừa Châu Đốc, với nước dùng là một loại cà ri được nấu với cá lóc thuần, tạo vị ngọt thanh khiết.

Không ít du khách có dịp đi tham quan khu du lịch miền núi như rừng tràm Trà Sư, Khu du lịch Núi Cấm Tịnh Biên, đều tranh thủ đến Vĩnh Trung để được thưởng thức món bánh canh đặc sản đã thành tên tuổi trong làng ẩm thực. Bánh canh Vĩnh Trung được chế biến bằng nguyên liệu gạo thơm đặc sản địa phương, với phương thức chế biến truyền thống, làm nên sợi bánh trắng tinh, có hương thơm tự nhiên và độ dẻo ngon đặc trưng mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ loại hóa chất nào khác. Nước dùng được nấu bằng thịt gà ta, có độ ngọt tự nhiên và trong vắt. Ngoài ra, còn được bổ sung các loại nguyên liệu địa phương như bò viên, cá lóc gỡ bỏ xương rỉa thành miếng to, khoanh giò hoặc thịt nạc mềm thái mỏng v.v…

Khách đi đường xa bụng đói, chỉ cần vào quán nghỉ ngơi, gọi tô bánh canh bốc khói, nghe hương thơm bốc lên ngon lành cũng giảm mười phần mệt nhọc. Do nổi tiếng từ lâu, nên hiện nay ở Sài Thành Bánh canh - nhà hàng chuyên phục vụ các mon bánh canh ba miền ở thành phố Hồ Chí Minh, đã đưa bánh canh Vĩnh Trung vào danh sách ẩm thực phục vụ thực khách sành ăn.

Khu du lịch núi Cấm ở An Hảo huyện Tịnh Biên cũng nổi tiếng với món bánh xèo rau rừng núi Cấm. Nhiều loại rau mọc trên núi có vị thuốc có lợi cho sức khỏe đã được bổ sung vào dĩa rau ăn kèm với loại bánh được chế biến bằng một số nguyên liệu đặc biệt. Trong đó, bột bánh được pha với trứng đà điểu Châu Phi. Món ăn vừa ngon, vừa có giá cả khá bình dân, đem lại cho du khách một cảm giác thỏa mãn với bữa ăn có nhiều rau xanh giữa một khung cảnh thiên nhiên mát rượi, phóng khoáng.

Nếu đến An Giang vào mùa nước nổi, du khách sẽ được mời các bữa cơm dân dã, thưởng thức các món ăn gắn liền với miệt đồng như cá linh kho lạt chấm bông điên điển, một món đặc sản khác chỉ có ở An Giang. Nguyên do là nguồn cá linh từ biển hồ Campuchia xuôi dòng Mê Kông về hướng biển để sinh sôi, và chúng đã chọn An Giang làm nơi trú chân trong mùa nước nổi. Cây điên điển cũng là món quà đặc biệt của thiên nhiên riêng dành cho vùng đất An Giang, mỗi mùa nước lại trổ hoa vàng rực rỡ, vừa tạo nên những cánh đồng hoa vàng quyến rũ, vừa là món ngon khiến cho nhiều đơn vị lữ hành đã đưa vào khai thác tour du lịch tham quan, ẩm thực…

Ngoài các món ăn để no, người ta có thể tìm thấy các loại thức ăn chơi, thức giải khát đặc trưng. Trong đó, quả thốt lốt tươi được chế biến thành thức uống rất tuyệt vời. Người ta bổ những quả thốt lốt vừa rám vỏ, bên trong lớp cơm trắng trong, mềm mịn và ngọt dịu, thoang thoảng hương thơm. Tách lớp cơm ấy, xắt ra cho vào ly, thêm ít đường cát, nước đá xay nhỏ là có được một ly nước giải khát ngon tuyệt mà không có loại thức uống thiên nhiên nào có thể sánh bằng.  


Cũng từ quả thốt lốt này, khi chín già, lớp cơm bên trong đã “hóa đá” nhưng phần bao bên ngoài cơm trở thành một lớp bột chứa chất men. Người ta cạo lấy lớp bột này, đem ủ với bột gạo để làm thành những chiếc bánh bò thốt lốt xốp mềm, thơm ngon và mang hương vị rất đặc trưng…

Một điều lý thú khác là miền núi An Giang còn là nơi cung cấp nhiều loại  cây trái ngọt như mít, xoài, mãng cầu… với sản lượng rất dồi dào. Bên cạnh đó, trong làng ẩm thực, vẫn còn nhiều món ngon khác xuất phát từ nét giao thoa văn hóa các dân tộc, mà người An Giang vốn nổi tiếng hiếu khách đã nghĩ ra để làm phong phú thêm những món ngon đặc sản địa phương và làm hài lòng du khách phương xa.

Nguồn: website

Cùng chuyên mục