Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Thừa Thiên Huế
Mặc dù được xem là chiến lược quan trọng, tuy nhiên thời gian qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn chưa tìm ra sản phẩm du lịch đặc thù nào cho riêng mình, trong đó, thiếu chiến lược phát triển sản phẩm, thiếu những nghiên cứu cần thiết nhằm xác định cụ thể “tính hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản và đại diện”của từng loại tài nguyên du lịch là nguyên nhân quan trọng nhất.
Để du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra,Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, độc đáo và khác biệt, có thương hiệu và sức cạnh tranh bền vững, mang đậm bản sắc vùng văn hóa Huế, thân thiện với môi trường, đồng bộ với hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ và số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn du lịch. Từ đó tạo nền tảng để đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến du lịch có đẳng cấp của Việt Nam, là thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia.
Các dòng sản phẩm Thừa Thiên Huế xác định tập trung ưu tiên phát triển trong thời gian tới là: Dòng sản phẩm tour có sức thu hút cao nguồn khách đến Việt Nam về Thừa Thiên Huế trên các tuyến Hà Nội - Huế; Cần Thơ - TP.Hồ Chí Minh - Huế; đường bộ xuyên Á gồm: Hệ thống sản phẩm dựa trên việc khai thác tiềm năng, giá trị di sản văn hóa thế giới trong khu vực với ý tưởng “Một điểm đến 5 di sản thế giới; hệ thống sản phẩm dựa trên việc khai thác tiềm năng, giá trị di sản các kinh đô Việt Nam, trong đó Cố đô Huế là tiêu biểu, “Huế - với hành trình qua các kinh đô Việt”; hệ thống sản phẩm dựa trên việc khai thác tiềm năng, giá trị trên trục đường Hồ Chí Minh; hệ thống sản phẩm dựa trên việc khai thác tiềm năng, giá trị của tuyến hàng không nối ba nước Đông Dương, “Đông Dương - 3 cố đô - một điểm đến”; hệ thống sản phẩm dựa trên việc khai thác tiềm năng, giá trị tuyến bay TP.Hồ Chí Minh - Huế, Hà Nội - Huế, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn - một điểm đến”…
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng chú trọng nhóm các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, chuyên sâu của tỉnh nhằm tạo ra sự khác biệt, tạo thương hiệu riêng, bao gồm: Nhóm sản phẩm thông qua các hoạt động trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách. Tài nguyên chính là những giá trị độc đáo của di sản, văn hóa triều Nguyễn, của vùng văn hóa Huế “có một chưa hai”; di sản và văn hóa làng cổ Phước Tích, kiến trúc đặc sắc của chùa cổ, làng cổ; di sản và văn hóa Chăm ở Huế; di tích cách mạng gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà văn hóa lớn, các nhân vật nổi tiếng; văn hóa tộc người của các dân tộc ở phía Tây Thừa Thiên Huế… với các nhóm tiêu đề “Về Huế-cùng khám phá và tận hưởng”, “Tạo trải nghiệm văn hóa Huế cho riêng mình”, “Huế: Những khoảnh khắc thư thái và yên tĩnh...
Về định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2011-2020, Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức phát triển sản phẩm, dịch vụ theo hướng tối ưu hóa các giá trị, đa dạng hóa, khác biệt hóa, phù hợp với xu hướng chuyển từ du lịch thụ hưởng sang du lịch chủ động và đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, tận hưởng của khách du lịch, phù hợp với từng thị trường, trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng: Di sản văn hóa và lễ hội; tôn giáo và tâm linh; biển và đầm phá; ẩm thực; thiên nhiên, kiến trúc nhà và vườn Huế, các khu bảo tồn... Quá trình phát triển sản phẩm phải gắn với quá trình nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ, các điểm tham quan du lịch, với xúc tiến, quảng bá, marketing và phát triển nguồn nhân lực du lịch; coi trọng liên kết vùng, lãnh thổ, điểm đến trong tổ chức thị trường và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đốivới các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thông qua việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định các dự án của các cơ quan quản lý, tư vấn du lịch.Tổ chức phát triển sản phẩm phải gắn liền đồng thời với hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu điểm đến./.