Lào Cai: Du lịch, dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn
Hoạt động du lịch có bước phát triển với nhiều loại hình và huy động đầu tư của các thành phần kinh tế. Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa thôn, bản từng bước được đầu tư, mở rộng; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức; cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng lên hằng năm. Năm 2010, Lào Cai đón hơn 820 nghìn lượt khách du lịch, tăng 64% so với năm 2005.
Hoạt động tín dụng đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh để huy động và đáp ứng nhu cầu về vốn cho các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2005 - 2010. Tổng nguồn vốn huy động bình quân hằng năm tăng 36%. Tổng dư nợ cho vay bình quân hằng năm tăng 34%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng trưởng cao với mức tăng bình quân 5 năm 20,5%. Năm 2010, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.010 tỷ đồng, vượt 50% so với mục tiêu Đại hội đề ra và tăng gần 3 lần so với năm 2005. Bưu chính - viễn thông phát triển nhanh, mạng lưới được mở rộng, chất lượng dịch vụ liên tục được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực du lịch, dịch vụ trong 5 năm qua cũng còn một số mặt hạn chế, yếu kém, đó là: Hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai tăng trưởng không ổn định do hạ tầng giao thông khó khăn và do tác động của lạm phát, khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu. Chất lượng du lịch và dịch vụ còn thiếu và yếu. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tuy tăng trưởng cao, song chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Để du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015, Lào Cai sẽ tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có thế mạnh; đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Mở rộng thị trường trong tỉnh, coi trọng thị trường nông thôn. Xác định kinh tế cửa khẩu và kinh tế đối ngoại là động lực. Tổ chức khai thác có hiệu quả Khu Kinh tế Cửa khẩu Lào Cai và các cửa khẩu biên giới của tỉnh, Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, cảng cạn (ICD) Lào Cai. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt trên 20%/năm; kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt trên 10%/năm.
Quảng bá, nâng cao thương hiệu du lịch Sa Pa, Bắc Hà. Tiếp tục rà soát, đầu tư, tôn tạo các điểm, khu du lịch trên địa bàn, đảm bảo phát triển bền vững. Mở rộng các điểm, tuyến du lịch và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của tỉnh. Quan tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có trình độ cao; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ mà tỉnh có lợi thế, như: vận tải, lưu trú, tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, khoa học - công nghệ, y tế, thể thao… Có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển mạnh dịch vụ công. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, mở rộng việc áp dụng cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” ở các bộ phận nghiệp vụ có quan hệ trực tiếp với doanh nghiệp, khách hàng và nhân dân. Ưu tiên vốn cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các chương trình, mục tiêu của tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng thu bình quân đạt 16,2%/năm. Trong đó, tốc độ tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu bình quân đạt 20,8%/năm; tốc độ tăng thu thuế, phí từ nội địa bình quân đạt 14%/năm.
Để những mục tiêu, nhiệm vụ trên trở thành hiện thực, các cấp ủy đảng cần xây dựng chương trình hành động cụ thể cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.