Hoạt động của ngành

Công bố quy hoạch xây dựng vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên

Cập nhật: 27/06/2011 09:13:24
Số lần đọc: 3133
Ngày 25-6, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc (xã Tân Thái, huyện Đại Từ), UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ công bố quy hoạch xây dựng vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn I.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao quy hoạch xây dựng vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc được xây dựng công phu, đáp ứng đầy đủ các quy định của Nhà nước, có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư, qui định rõ chức năng của các đơn vị liên quan. Phó Thủ tướng cho rằng quy hoạch này mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh đến năm 2020, giúp Thái Nguyên khai thác tiềm năng phát triển ngành du lịch, thay đổi cơ cấu kinh tế. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên và các nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch cần có các giải pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường; bảo vệ nguồn nước tự nhiên của vùng, chú ý đến việc không để các dự án đầu tư trùng lặp nhau, từng bước xây dựng vùng du lịch Hồ Núi Cốc trở thành thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia, ngang tầm quốc tế....

Theo quy hoạch được phê duyệt do liên danh Công ty TNHH R.K.V ENGINEERING CONSULTANT và DHEVANAND (Thái Lan) với Công ty cổ phần Trung Tín xây dựng, Vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc có diện tích gần 19.000 ha, trong đó diện tích thuộc Thành phố Thái Nguyên trên 5.400 ha, diện tích thuộc huyện Đại từ trên 10.000 ha và diện tích thuộc huyện Phổ Yên hơn 3.400 ha. Dự tính đến năm 2020, dân số toàn vùng quy hoạch từ 60,5 đến 62 nghìn người; đến năm 2030 từ 68 đến 70 nghìn người. Vùng du lịch này được định hướng phát triển thành phân vùng phát triển kinh tế bao gồm khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vùng trồng chè tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp, vùng rừng tự nhiên, phòng hộ và Khu vực phát triển du lịch, thương mại dịch vụ và đô thị. Trong vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc dự kiến có 5 khu chức năng: Khu du lịch, thể thao và thương mại dịch vụ tổng hợp phía Đông Bắc hồ thuộc các xã: Tân Thái, Phúc Xuân; Khu giải trí, sân golf, du lịch sinh thái và vui chơi có thưởng phía Tây Nam hồ thuộc các xã Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Phú Tân; Khu trung tâm hành chính mới và du lịch sinh thái tại xã Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương; Khu đô thị và dịch vụ du lịch tại thị trấn Quân Chu; Khu lâm viên - rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Trước mắt, trong giai đoạn 2011 - 2015, đơn vị quy hoạch đề xuất tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật quanh Hồ Núi Cốc, dự án khu bảo tàng chè, trung tâm văn hoá chè, dự án xây dựng bến du tuyền và khu thể thao nước, dự án các khách sạn, khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp ven hồ...

Cùng với việc công bố quy hoạch chi tiết Vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành quy định về quản lý quy hoạch xây dựng, yêu cầu bảo tồn và phát triển 89 hòn đảo trên hồ theo hướng du lịch sinh thái tùy theo quy mô và đặc điểm của từng đảo; bảo vệ nghiêm ngặt các khu bảo tồn thiên nhiên; các công trình hiện hữu trong khu vực chỉ được cấp phép cải tạo, chỉnh trang, không mở rộng.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trao Giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn I vào Vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc cho 10 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 9.645 tỷ đồng.
Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục