Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Quan Lạn với phong trào làm du lịch

Cập nhật: 07/07/2011 09:26:48
Số lần đọc: 3445
Xã đảo Quan Lạn (Vân Đồn) có nhiều tiềm năng du lịch với bờ biển đẹp, phong cảnh nên thơ và không khí trong lành.

Trước kia, tiềm năng này còn chưa được khai thác nên đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, phong trào làm du lịch đã phát triển mạnh mẽ trên vùng đất này, mang lại cơ hội giảm nghèo và làm giàu cho bà con.

 

Ông Lưu Thành Viên, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, cho biết, mùa hè, ngày bình thường Quan Lạn cũng có khoảng 400 khách du lịch. Những ngày cuối tuần và nhất là ngày tết, lễ hội lượng khách du lịch lên tới 800-1.500 người/ngày. Cũng theo ông Viên thì hiện Quan Lạn có khoảng 300 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch và hàng trăm phòng nghỉ bình dân của các hộ gia đình. Công suất sử dụng phòng nghỉ luôn đạt 50-70% vào ngày thường, những ngày cuối tuần nhiều khi thiếu phòng nghỉ.

 

Tuy nhiên, phong trào làm du lịch ở Quan Lạn không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh phòng nghỉ mà có thể nói gần như 100% người dân đều làm công việc gắn với du lịch. Cụ thể, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm phục vụ tại chỗ vào mùa du lịch, nhiều hộ ở Quan Lạn đã phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: dê, bò, gà, vịt v.v.. Hiện nay, số bò của xã lên tới gần 200 con, đảm bảo cung cấp thường xuyên cho nhu cầu của các nhà hàng trên địa bàn. Đặc biệt, gần đây phong trào nuôi dê cũng được đẩy mạnh ở Quan Lạn. Ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Quan Lạn hiện có 5 hộ nuôi nhiều dê, trung bình 60 con/hộ. Đó còn chưa kể  hàng chục hộ nuôi ít hơn, khoảng 6-10 con rải rác ở các thôn. Về mùa du lịch, dê không đủ cung cấp cho các nhà hàng. Nhiều đoàn du lịch đặt mua cả con hoặc vài con. Còn ông Lý Văn Lành, một chủ hộ nuôi vịt thì bảo: Tôi đã có 20 năm làm nghề nuôi vịt. Trước kia tiêu thụ còn khó khăn nhưng giờ có khách du lịch nên hiệu quả rất rõ. Đàn vịt của tôi luôn duy trì khoảng 200 con, tôi thu được khoảng 160 quả trứng vịt/ngày. Số này tôi giao cho các nhà hàng của Quan Lạn còn không đủ, chứ không có để bán ra thị trường.

 

Đó là những người có vốn, có kiến thức, kinh nghiệm nên biết đầu tư để phát triển kinh tế, còn phần đông những người lao động đơn thuần, hoặc ít vốn ở Quan Lạn thì lại phục vụ khách du lịch từ nghề đào sá sùng. Quan Lạn sở hữu bãi sá sùng lớn nhất cả nước rộng khoảng 150 ha, hàng ngày có khoảng 200-500 người hành nghề trên bãi sá sùng. Một thợ đào sá sùng cho biết: “Chúng tôi chỉ cần sắm một cái mai chuyên dụng, một cái giỏ xách tay đầu tư trên dưới 200.000 đồng là xong, vậy là có thể hành nghề. Còn “đầu ra” của sá sùng thì “vô tư” đi! Chỉ sợ không có mà bán. Khách du lịch đến Quan Lạn rất thích ăn sá sùng, tươi - khô đều hấp dẫn họ”. Tuy đây là công việc đơn giản, dễ làm nhưng thu nhập từ nghề này không hề nhỏ. Người đào được ít sá sùng cũng kiếm hơn 100.000 đồng/ngày, người đào giỏi thì có thu nhập 500-600.000 đồng/ngày. Chính con sá sùng cũng đã góp phần không nhỏ làm nên thương hiệu du lịch Quan Lạn, không ít khách du lịch khi đến Quan Lạn đều không quên mua một ít sá sùng về làm quà cho người nhà, giới thiệu đặc sản một vùng đất, trong khi giá sá sùng không hề rẻ, có thời điểm lên đến 4 triệu đồng/kg sá sùng khô.

 

Với phong trào làm du lịch mạnh mẽ, Quan Lạn đã tự xoá nghèo và phát triển kinh tế bền vững từ tiềm năng biển đảo.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục