Hoạt động của ngành

Du lịch văn hóa – Thế mạnh của Lạng Sơn

Cập nhật: 08/07/2011 10:51:35
Số lần đọc: 3590
Du lịch phát triển sẽ đem đến cho mỗi địa phương, vùng đất những nhịp độ phát triển mới. Đây là điều dễ dàng nhận thấy. Đối với Lạng Sơn, du lịch văn hóa (DLVH) thời gian qua thực sự là một thế mạnh.
Thực tế đã chứng minh, phát triển du lịch sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa phát triển. Ngược lại, văn hóa phát triển sẽ tạo ra những điều kiện, tiền đề quan trọng cho du lịch phát triển bền vững. Đặc biệt, ngày hôm nay trong bối cảnh quê hương, đất nước hội nhập thì DLVH càng tỏ rõ thế mạnh. Ở Lạng Sơn, thế mạnh DLVH không chỉ được khẳng định trên thực tế mà còn được chỉ rõ trong các chiến lược phát triển của tỉnh. Trong Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” thì quan điểm chung về phát triển du lịch là: Phát triển du lịch Lạng Sơn bảo đảm với tốc độ nhanh và bền vững một cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng “gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa”... Như vậy, có thể thấy rằng, việc phát triển loại hình DLVH là có cơ sở và có định hướng đúng đắn.
    
Thời gian qua, du khách đến với Lạng Sơn tập trung chủ yếu vào các nội dung như: mua sắm, tham quan di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, dã ngoại, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa lối sống của các dân tộc, thưởng thức ẩm thực, du lịch về nguồn, du lịch biên giới… Nhưng xét ra yếu tố đằm sâu trong đó chính là văn hóa. Điểm qua một số hành trình du lịch của du khách đến Lạng Sơn sẽ thấy rõ thế mạnh cũng như những vấn đề đặt ra cần phát huy. Bao giờ cũng vậy, du khách đến Lạng Sơn cũng kết hợp nhiều nội dung trong hành trình. Đơn cử như, du khách thường đến chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, lên chợ Đồng Đăng, chợ cửa khẩu Tân Thanh mua sắm; rồi dừng chân tham quan, khám phá một loạt các di tích, danh thắng như: Đền Mẫu (Đồng Đăng), động Nhị, Tam Thanh – núi Nàng Tô Thị - thành Nhà Mạc, đền Kỳ Cùng, chùa Tiên, đền Trần, chùa Thành (thành phố Lạng Sơn), lên Mẫu Sơn… Trong hành trình, du khách còn có dịp thưởng thức ẩm thực Xứ Lạng với hương vị đặc trưng, riêng có. Tất nhiên, Lạng Sơn chưa nhiều sản phẩm lưu niệm du lịch nhưng không phải là không có, do đó, du khách cũng có thể lựa chọn mua cho mình và người thân, bạn bè những sản phẩm để lưu niệm cho chuyến đi. Nếu vào mùa xuân thì không chỉ có nội dung kể trên, du khách còn có dịp được đắm mình vào những lễ hội hội truyền thống náo nhiệt, đậm chất dân gian Xứ Lạng và càng hiểu sâu sắc hơn về quá trình phát triển của địa phương, vùng đất. Chẳng hạn như, qua lễ hội đền Tả Phủ Kỳ Lừa và đền Kỳ Cùng, mọi người sẽ hiểu được gốc tích về sự phát triển phố chợ Kỳ Lừa nức tiếng gần xa cho đến ngày nay. Hay du lịch về nguồn với các địa danh như: nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri, cụm di tích khởi nghĩa Bắc Sơn… tất cả đều gắn với tên tuổi các danh nhân có công với dân, với nước và đều đã trở thành những địa chỉ văn hóa ý nghĩa cho nhân dân và du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập… Văn hóa đã thực sự là yếu tố cốt lõi làm nên sự hấp dẫn của du lịch Xứ Lạng.
 
Nhận thức rõ thế mạnh về DLVH của tỉnh, các cấp, ngành đã có những động thái tích cực như chú trong công tác xúc tiến, quảng bá bằng nhiều hình thức; ví dụ trưng bày bộ hình ảnh về di tích, danh thắng và lễ hội Lạng Sơn tại các lễ hội xuân tiêu biểu là một trong những hoạt động tích cực đó. Rồi quan tâm trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đã đi vào tâm thức của mọi người; tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, lễ hội tiêu biểu trên quê hương để tạo điểm nhấn như Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh, chương trình lễ hội xuân Xứ Lạng hàng năm; khảo sát mở mới loại hình du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, làng bản… Quả thật, DLVH ở Lạng Sơn đã và đang phát huy vai trò là thế mạnh chủ đạo. 
 
Từ những đặc điểm, tiềm năng và thực tế trên, thiết nghĩ, DLVH là xu hướng phát triển tất yếu của nhiều địa phương chứ không riêng gì Lạng Sơn. Song ở mỗi tỉnh, thành lại có những đặc điểm khác nhau cho nên nếu ta biết khai thác những thế mạnh, các yếu tố riêng có, bản sắc, thậm chí là “độc nhất, vô nhị” sẽ lại càng hấp dẫn hơn. Vậy nên, với những giải pháp thiết thực như quan tâm nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch mới ngoài các chương trình, sản phẩm truyền thống; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá để giới thiệu với du khách, nhà đầu tư về tiềm năng và các dự án đầu tư phát triển du lịch của tỉnh; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường các hoạt động liên kết du lịch, phát huy thế mạnh địa phương… thì chắc chắn DLVH sẽ tiếp tục là loại hình ý nghĩa và có những đóng góp tích cực vào mục tiêu thu hút 2,1 triệu lượt du khách đến với Lạng Sơn trong năm 2011.
Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục