Hoạt động của ngành

Du lịch Quảng Ngãi: Những bước đi ban đầu

Cập nhật: 11/07/2011 15:01:59
Số lần đọc: 3174
Nằm giữa hai tuyến du lịch đang thu hút du khách là “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường xanh Tây Nguyên” nhưng khách dừng chân ở Quảng Ngãi lại rất ít, và gần như cái tên Quảng Ngãi vẫn còn vắng bóng trong bản đồ du lịch nước ta.

Nhiều tiềm năng…

 

Theo các chuyên gia nhận định, Quảng Ngãi là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Cụ thể với 150 km đường bờ biển kéo dài từ An Tân đến Sa Huỳnh với nhiều bãi tắm đẹp như Sa Huỳnh (Đức Phổ), Mỹ Khê (Sơn Tịnh), Minh Tân (Mộ Đức), Lệ Thủy, Khe Hai (Bình Sơn)…

 

Bên cạnh đó là các di tích văn hóa đặc sắc như Sa Huỳnh (cách đây từ 2000 đến 3000 năm), chùa Ông với sự kết hợp giữa kiến trúc Trung Hoa và Việt Nam, văn hóa Chămpa với thành cổ Châu Sa. Đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng để lại dấu ấn sâu đậm qua 2 cuộc kháng chiến như: Ba Tơ, Trà Bồng, Ba Gia, Vạn Tường, khu di tích Sơn Mỹ…

 

Điểm nhấn của du lịch Quảng Ngãi phải kể đến huyện đảo Lý Sơn với dân cư tương đối đông đúc cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp trên miệng núi lửa, các bãi đá đen còn gọi là đá cháy, vốn là nham thạch núi lửa tương tự như khu đảo JeJu - Hàn Quốc nổi tiếng trên thế giới.

 

Quảng Ngãi còn có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm đặc trưng như dệt chiếu, đúc đồng, rèn sắt, dệt thổ cẩm của người H’re, Kor, K’dong; nhiều lễ hội đặc trưng của vùng biển như lễ hội cầu ngư, đua thuyền, cúng cá Ông…

 

Đây là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch di tích lịch sử cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, hiện tại du lịch Quảng Ngãi vẫn chỉ ở dạng… tiềm năng.

 

Theo số liệu thống kê trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Quảng Ngãi chưa nhiều, chủ yếu là khách công vụ. Nhiều nguyên nhân khiến du lịch của vùng đất này bị kìm hãm thời gian qua như: chưa hội đủ các điều kiện cơ sở hạ tầng như mạng lưới giao thông, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm... còn hạn chế do nguồn vốn đầu tư chưa nhiều, hàng lưu niệm các sản phẩm du lịch vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng tối ưu những yêu cầu của du khách.

 

Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh và tiềm năng du lịch của Quảng Ngãi còn yếu, nguồn nhân lực phục vụ du lịch trình độ còn thấp và thiếu tính chuyên nghiệp.

 

Những bước đi ban đầu

 

Các đơn vị lữ hành cho biết, trong thời gian qua nhiều sản phẩm du lịch của các đơn vị bước đầu đã triển khai tại đây. Đơn cử như Saigontourist tổ chức đưa khách đi tham quan khu di tích Đặng Thùy Trâm, Lửa Việt thì có tour Quảng Ngãi- những điều kì thú với một chuỗi các hoạt động như: đến đảo Lý Sơn- viếng chùa Hang- chùa Đục, tham quan bảo tàng Hoàng Sa, khám phá miệng núi lửa lớn nhất ở Lý Sơn, khám phá bộ sưu tập cổ vật phong phú có giá trị nhất Đông Nam Á…, công ty Vitours tại Đà Nẵng đã triển khai được 3 tour đến Quảng Ngãi, trong đó có một tour định kì ra đảo Lý Sơn phục vụ du khách hằng tuần…

 

Đồng thời để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, du lịch Quảng Ngãi tiếp tục mở các tuyến du lịch mới: TP Quảng Ngãi - đảo Lý Sơn, TP Quảng Ngãi – di tích Bệnh xá Bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm- Sa Huỳnh… Khoảng hơn một tháng nay, nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan thu hút một lượng khách đông đảo.

 

Ông Vũ Thế Bình- Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, đây là những tín hiệu vui, đánh dấu sự quan tâm của các công ty du lịch, các đơn vị tại địa phương bước đầu bắt tay khai thác mảnh đất giàu tiềm năng này.

 

Tuy kết quả đạt được chưa cao, lại vấp phải nhiều khó khăn như đường sá không thuận lợi, sản phẩm du lịch đặc trưng còn thiếu, thiếu người thuyết minh… nhưng qua đó nhiều sản phẩm du lịch đang dần được định hình, mở ra hướng liên kết giữa các đơn vị lữ hành với nhiều điểm tham quan mới lạ như đảo Lý Sơn, nhà máy lọc dầu Dung Quất… hướng đến việc hoàn thiện các sản phẩm phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.

 

Với chủ trương mạnh dạn kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch cùng các chính sách thông thoáng, ngành du lịch Quảng Ngãi đang tìm kiếm các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào các khu du lịch sinh thái biển và rừng đã được lập quy hoạch như: Khu du lịch Mỹ Khê, khu du lịch Sa Huỳnh, khu du lịch Vạn Tường, khu du lịch Cà Đam...

 

Sở VHTTDL Quảng Ngãi cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) tiến hành quy hoạch phát triển du lịch đảo Lý Sơn và một số dự án khác, tạo thuận lợi để thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển nhanh hơn. Đồng thời, đầu tư nâng cấp và xây dựng mới nhiều cơ sở lưu trú. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 54 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 3 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 4 sao) với hơn 1.400 phòng.

 

Ông Tạ Quy, Phó GĐ Sở VHTTDL Quảng Ngãi cho biết, đã có nhiều trường hợp chủ đầu tư các dự án du lịch chỉ có tài lực mà không có chuyên môn, nhiều dự án khi lên kế hoạch thì rất hay nhưng khả năng thực thi lại không cao đã gây ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển du lịch tổng thể trên địa bàn.

 

Vừa qua, Sở đã kiên quyết thu hồi những dự án đầu tư không hiệu quả. Sắp tới, sẽ tiến hành xem xét một số dự án khác, đồng thời khi nhà đầu tư mang dự án đến, Sở sẽ tiến hành kiểm tra dự án và năng lực tài chính, năng lực làm du lịch, tránh tình trạng đầu tư để kinh doanh bất động sản …

 

Ông Quy cho biết thêm, hiện tại lãnh đạo tỉnh đang rất chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Sắp tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác liên kết, phối hợp với các đơn vị đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên… theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, tạo nguồn nhân lực hùng hậu, chuyên nghiệp chung tay phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.

Nguồn: Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục