Tin tức - Sự kiện

Mở rộng không gian Văn hoá-Du lịch

Cập nhật: 17/07/2008 14:07:39
Số lần đọc: 1684
Bắt đầu từ 01/8, Hà Tây sẽ sát nhập với Hà Nội. Đây là một sự kiện to lớn, không chỉ đối với những người dân Hà Tây hay Hà Nội, mà nó sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của đất nước Việt Nam với nhiều chiến lược gắn kết tạo nên một thủ đô Hà Nội giàu đẹp và văn minh.

Ông Trương Minh Tiến-Phó giám đốc thường trực Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Hà Tây cho chúng tôi biết: “Hà Tây là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch và giàu truyền thống văn hoá. Với nguồn tài nguyên và du lịch phong phú cả về tự nhiên và nhân văn với nhiều loại hình du lịch như: du lịch làng nghề, các lễ hội truyền thống, nghỉ cuối tuần... Đặc biệt, với việc xây dựng, nâng cấp sản phẩm du lịch, ngành du lịch Hà Tây đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá, tổ chức nối tua, tuyến du lịch với cả nước, tổ chức hội du lịch làng nghề truyền thống Hà Tây, góp phần tôn vinh giá trị các làng nghề truyền thống, mở ra hướng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch làng nghề Hà Tây”.

 

Để giải đáp những thắc mắc, nếu Hà Tây sát nhập với Hà Nội thì định hướng bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống đến những loại hình văn hoá phi vật thể của Hà Tây sẽ như thế nào? Ông Tiến cho biết: “Hà Tây sẽ bổ sung những di sản văn hoá phi vật thể như chèo cổ (chèo Tàu), các di tích văn hoá vật thể như: chùa Thầy, chùa Tây Phương, đặc biệt là Khu danh thắng nổi tiếng Hương Sơn…và các khu du lịch sinh thái, tâm linh mà Thủ đô không có. Đây là một sự kiện gắn kết tuyệt vời nhằm phát huy và gìn giữ những di sản văn hoá mà Hà Tây và Hà Nội có được”.

 

Bảo tồn và mở rộng không gian văn hoá xứ Đoài và xứ Đông là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành văn hoá sau khi sát nhập với Hà Nội. Bởi đây là nét văn hoá phi vật thể và vật thể rất đặc trưng của Hà Tây, mà trong nhiều năm qua chưa được chú tâm.

 

Tuy nhiên, văn hoá đó đều phụ thuộc vào người dân, do những người dân nơi đây gìn giữ, sáng tạo. Sau sự kiện sát nhập này, các nhà lãnh đạo có những chính sách đúng đắn, thì người dân sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình là gìn giữ và phát huy bản sắc vốn có của nó…

 

Theo báo cáo thống kê của ngành văn hoá-du lịch Hà Tây, trong những năm qua, lượng khách du lịch vào tỉnh ngày càng tăng. Giai đoạn 2001-2005 lượng khách tăng bình quân 17,3% /năm; đến năm 2006 đón được 3,15 triệu lượt khách, tổng doanh thu xã hội đạt 350 tỷ đồng; năm 2007 đón được 3.900.000 lượt khách (tăng 24% so với năm 2006), tổng doanh thu xã hội đạt 495 tỷ đồng, (tăng 41% so với năm 2006). Trong 6 tháng đầu năm 2008, ước tính đoán 3.350.000 lượt khách (đạt 74,4% kế hoạch năm), (tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước), tổng doanh thu 440 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch năm (tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước).

 

Con số trên có thể được đánh giá là cao, song lãnh đạo của Hà Tây không khỏi băn khoăn. Bởi tiềm năng Hà Tây đã có, kêu gọi được rất nhiều đơn vị đầu tư xây dựng và nâng cấp các khu du lịch; xuất hiện nhiều khu du lịch chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế…Nhưng doanh thu cũng như việc níu chân khách lưu trú dài ngày lại chưa đạt hiệu quả. Đáp án cho những tồn tại mà ngành văn hoá-du lịch Hà Tây đang mắc phải, đó là nhân lực làm du lịch nơi đây chưa chuyên nghiệp, dịch vụ du lịch chủ yếu là do người dân tự làm…

 

Sắp tới, khi đã sát nhập Hà Tây-Hà Nội, chắc chắn những tồn tại đang hiện diện sẽ được xoá bỏ. Thay vào đó sẽ tạo nên những tua, tuyến du lịch hấp dẫn. Đưa khách trong nước và quốc tế lưu trú ở Hà Nội tới thưởng ngoạn và thưởng thức các sản phẩm du lịch ở Hà Tây. Lưu trú ở các khu du lịch cao cấp Hà Tây…Hy vọng trong thời gian tới những thế mạnh mà Hà Tây càng có cơ hội gìn giữ và phát huy.

Nguồn: QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT