Tin tức - Sự kiện

Huyện Bắc Hà (Lào Cai) chăm lo đời sống văn hóa tinh thần nhân dân

Cập nhật: 18/07/2008 14:07:38
Số lần đọc: 1716
Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Ðảng bộ huyện Bắc Hà (Lào Cai) khóa 21 đã xây dựng đề án khôi phục bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Bắc Hà giai đoạn 2005 - 2010, trong đó chú trọng việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở mà trọng tâm là việc xây dựng nhà văn hóa thôn, bản; sưu tầm, giữ gìn di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể còn tiềm ẩn và lưu giữ trong cộng đồng.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Bắc Hà Hoàng Tuấn Anh cho biết, chủ trương xây dựng các thiết chế văn hóa của Huyện ủy trên cơ sở "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đồng thời coi đó cũng là một tiêu chí để công nhận làng văn hóa, chủ trương này đã thật sự nhận được sự ủng hộ của người dân và tạo ra một phong trào thi đua lành mạnh giữa các thôn, bản và các xã, thị trấn.

 

Với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, những năm trước đây các hoạt động sinh hoạt văn hóa, hội họp của thôn, bản phần lớn được tổ chức tại nhà trưởng thôn, bản, nhà dân hay trường học đây cũng là những hạn chế trong việc sinh hoạt hay tổ chức các hoạt động của thôn, bản. Qua hơn ba năm triển khai chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng nhà văn hóa và trung tâm học tập cộng đồng ở 21 xã, thị trấn. Những nơi đã có nhà văn hóa thì nhân dân phấn khởi chủ động tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, góp phần tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ðối với những nơi vẫn còn phải đi sinh hoạt nhờ ở nhà trưởng thôn, nhà dân thì nhân dân đều rất mong muốn có một nhà văn hóa của riêng thôn mình để chủ động tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập trung.

 

Ðể tạo cú hích trong phong trào xây dựng nhà văn hóa thôn, Phòng Hạ tầng kinh tế được UBND huyện giao giúp các địa phương thiết kế, lập dự toán xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao phù hợp quy mô dân số từng thôn, bản sao cho công trình nhà văn hóa phải có đầy đủ các công trình phụ trợ phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng như: sân dành cho các hoạt động thể thao, trồng cây xanh, xây bể nước, khu vệ sinh...

 

Kinh phí xây dựng nhà văn hóa, các xã, thị trấn tính toán trên cơ sở điều kiện ngân sách của mình cộng với một phần hỗ trợ của huyện và tỉnh, ngoài ra các thôn bản còn chủ động huy động người dân đóng góp thêm trên cơ sở mẫu thiết kế và dự toán. Với cách làm này đã tránh được thất thoát trong xây dựng bởi mức hỗ trợ cũng như dự toán của công trình đều được công khai đến người dân.

 

Trong hai năm (2006 - 2007), mặc dù mới chỉ có cơ chế hỗ trợ của cấp xã nhưng trên địa bàn toàn huyện đã xây dựng được thêm 77 nhà văn hóa thôn, bản với trị giá mỗi nhà văn hóa từ 40 đến 80 triệu đồng. Ðiển hình phải nói đến thị trấn Bắc Hà, xã Tà Chải, Na Hối, Lùng Phình người dân các thôn đã nhiệt tình hưởng ứng đồng loạt xây dựng 18 nhà văn hóa.

 

Các hoạt động văn hóa ở thôn, bản được chú trọng bằng các chương trình kế hoạch theo tháng, quý, cũng ở đó mỗi thôn, bản đã xây dựng được những hương ước, quy ước cụ thể riêng và phù hợp tình hình thực tế ở cơ sở, từ đó đã khuyến khích động viên được bà con nhân dân không thả rông gia súc, không để chuồng trại mất vệ sinh, không chặt phá rừng trái phép mà tích cực tham gia nhân phát triển diện tích rừng, ăn sạch, ở sạch, đường làng ngõ xóm phong quang sạch sẽ.

 

Ðiểm nổi bật là trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, huyện có chính sách khuyến khích các địa phương xây dựng và thành lập mới các tổ đội văn hóa quần chúng, duy trì văn hóa lễ hội. Ðến nay 226 thôn bản có từ một đến hai đội văn nghệ thôn, một số xã đã xây dựng được đội văn nghệ gắn với mô hình làng văn hóa du lịch như xã Tà Chải, Bản Phố, Na Hối. Vùng đất Bắc Hà vùng đất của các lễ hội say sán, cúng rừng, xuống đồng... Trong đó mỗi lễ hội có nét độc đáo riêng không những thu hút đông đảo người dân địa phương mà còn hấp dẫn với khách du lịch. Cũng như nhiều dân tộc khác, dân tộc Tày ở Bắc Hà coi thần nông là vị thần cai quản nương ruộng nên cứ đến ngày rằm tháng giêng hằng năm, các xã Na Hối, Tà Chải, Bảo Nhai lại mở hội xuống đồng. Sau khi ông chủ lễ dâng các sản vật nông nghiệp để báo cáo thành quả lao động sản xuất trong năm qua của nhân dân địa phương, đồng thời cầu cho dân chúng có một năm mới lao động sản xuất được mùa, chăn nuôi phát triển, tiếp đến là phần hội với các hoạt động ném còn, đánh quay, kéo co, múa khèn và những điệu xòe nổi tiếng bắt đầu là xòe tập hợp làm quen, đến xòe đôi, xòe ba, chạm tay vào vai nhau, rồi điệu bắt cá, sàng sảy, tra hát, thu hoạch cuối cùng là xòe chào hẹn. Ðến nay múa xòe Bắc Hà đã tham gia nhiều trên sàn diễn nghệ thuật quần chúng trong cả nước và du khách đến với Bắc Hà vào tối thứ bảy hằng tuần, nhịp xòe hồn nhiên, tươi tắn duyên dáng lại nhộn vang hòa cùng thiên nhiên mời gọi bạn bè gần xa đến để mở rộng vòng xòe. Trong 21 xã, thị trấn mỗi cơ sở đã được cấp đầy đủ một bộ trang thiết bị cho ban văn hóa xã hoạt động, gồm tăng âm, loa đài, micro, máy phát điện...

 

Hệ thống phát thanh truyền hình mở rộng phạm vi phủ sóng đến các xã vùng sâu, vùng xa bằng việc nâng công xuất máy phát, phát triển các trạm tiếp phát sóng công xuất 10W tại trung tâm xã, còn những thôn bản vùng "lõm" không có sóng phát thanh truyền hình đã được cấp hệ thống antenna thu tín hiệu truyền hình vệ tinh. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình toàn huyện lên hơn 87%, cũng từ đó mà các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước được chuyển tải tới người dân nhanh và hiệu quả hơn. Năm 2007 toàn huyện có gần 5.000 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 156 khu dân cư tiên tiến, 78 khu dân cư văn hóa.

 

Có thể nói qua hai năm vừa qua với việc kích cầu và hỗ trợ đúng lúc, Bắc Hà đã khơi dậy được sức dân để chăm lo cho đời sống tinh thần của người dân đã góp phần thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao này.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT