Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Cập nhật: 13/01/2012 15:00:23
Số lần đọc: 2383
Toàn tỉnh hiện có 510 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, Bảo tàng tỉnh quản lý 333 di tích; Ban quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào quản lý 177 di tích.

Các di tích được phân loại gồm 447 di tích lịch sử ở các thời kỳ tiền khởi nghĩa, chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, 6 di tích khảo cổ học, 13 di tích danh lam thắng cảnh, 44 di tích kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh đó là khối lượng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Mông…  như các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. 

Trong tổng số 447 di tích lịch sử cách mạng các thời kỳ, đến nay hầu hết các di tích đã được dựng bia, nhà bia, ghi lại dấu ấn thời kỳ Chính phủ, Bác Hồ, các bộ, ngành Trung ương đã ở làm việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hệ thống các đền, chùa từng bước được trùng tu, tôn tạo từ nguồn kinh phí của Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân công đức, quyên góp ủng hộ xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân.


Quy chế bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xây dựng và tuyên truyền sâu rộng, được nhân dân hưởng ứng đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn các giá trị di tích. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và dành nhiều kinh phí cho xây dựng, tu bổ thường xuyên, chống xuống cấp các di tích, kể cả di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhờ vậy, trong những năm qua, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận, nhiều cổ vật, di vật đã được bảo vệ... Năm 2011, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã sưu tầm và trưng bày trên 150 hiện vật, 170 tài liệu, chỉnh lý 400 di vật khảo cổ; trình UBND tỉnh xếp hạng 30 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; hoàn thành phục dựng lễ hội Lồng tông, xã Lăng Can (Lâm Bình) và nhiều công trình có giá trị lịch sử như công trình phục hồi, tôn tạo bia Chiến thắng Khe Lau; bia tổng thể và các bia ghi dấu sự kiện khu di tích Kiên Đài, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa); khu di tích Chính phủ thôn Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương)...


Nhiều di tích, thắng cảnh được khai thác trên cơ sở đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, du lịch của nhân dân như di tích đền Thượng, đền Hạ, đền Mẫu Ỷ La (TP Tuyên Quang); chùa Hang, đình Giếng Tanh (Yên Sơn); lễ hội Động Tiên gắn với hội chọi trâu (Hàm Yên), lễ hội Lồng tông, hội chọi trâu, lễ rước Mẫu đền Bách Thần (Chiêm Hóa); lễ hội Lồng tông, xã Lăng Can (Lâm Bình)... Công tác bảo tồn, bảo tàng được coi trọng với nhiều hình thức: Tổ chức trưng bày hiện vật theo các chủ đề lịch sử; sưu tầm các di vật, cổ vật; đầu tư bảo quản, chế bản nhiều hiện vật bảo tàng có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu và khách tham quan.

 

Đặc biệt, các hình thức truyền dạy văn nghệ dân gian mang tính tự phát được phát triển ở các địa phương như văn nghệ dân gian truyền thống các dân tộc Tày, Sán Chay, Dao ở các xã Đại Phú (Sơn Dương), Đà Vị, Sơn Phú (Nà Hang), Tân An (Chiêm Hóa), Minh Hương (Hàm Yên). Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được gắn với thực hiện các chương trình, dự án, chính sách về dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng dân tộc, miền núi và đời sống đồng bào các dân tộc.

Năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 17, ngày 11/5/2011 của UBND tỉnh về kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 04 ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Theo đó, ngành đã phối hợp kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đợt 1 tại 30 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Sơn và Chiêm Hóa. Đối tượng kiểm kê là di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại, bao gồm các loại hình: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Kết quả, đã thực hiện kiểm kê được 108 di sản phi vật thể của 9 dân tộc gồm: Cờ Lao, Pà Thẻn, Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay ngành Cao Lan và dân tộc Kinh.


Trên cơ sở kiểm kê, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập danh sách lựa chọn 21 di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm: Loại hình tập quán xã hội 10 di sản, loại hình lễ hội truyền thống 1 di sản, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian 9 di sản, loại hình tri thức dân gian 1 di sản và lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.


Năm 2012 và những năm tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định công tác bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Cùng với bảo tồn, khai thác giá trị các di tích lịch sử cách mạng, ngành chú trọng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong nhân dân. Tiếp tục tiến hành điều tra, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể cấp thiết cần được bảo tồn; gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan tới các di tích lịch sử - văn hóa, như: Bảo lưu ngôn ngữ, nhạc cụ, khôi phục lại các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ; tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc của tỉnh”... Bên cạnh đó, việc bảo lưu giá trị truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và nhân dân sinh sống trong vùng. Đây là nguồn lực rất lớn để Tuyên Quang phát triển điểm đến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách tham quan.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục