Phát triển cơ sở hạ tầng vùng biên giới phục vụ phát triển du lịch
Mặc dù các tỉnh biên giới có lợi thế về cửa khẩu, là nơi giao thương song lại là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh nên xét về mặt bằng chung, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém.
Du khách khi lên tham quan tại các khu vực này thường phải nghỉ trong các nhà khách của các cơ quan. Hệ thống các cơ sở lưu trú đặc biệt là các khách sạn đạt tiêu chuẩn còn ít, không thể đáp ứng nổi.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia vào Ban chỉ đạo phát triển hợp tác giữa Việt Nam với 3 nước giáp danh là: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trực tiếp Tổng cục Du lịch sẽ xây dựng 3 đề án phát triển hạ tầng cho từng khu vực biên giới giáp với 3 quốc gia trên.
Ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, chúng ta cần phải củng cố, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch và đặc biệt chú trọng tới vấn đề giao thông ở các địa phương này để kịp thời đáp ứng những yêu cầu trước mắt. Chúng ta cũng không thể so sánh việc phát triển du lịch ở đây như các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh được mà định hướng ở đây là phát triển du lịch cộng đồng. Đây cũng là mục tiêu phát triển du lịch bền vững, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Tổng cục trưởng cũng cho biết, hiện nay Bộ đang cùng với Cục đo lường chất lượng xây dựng những tiêu chuẩn cụ thể để phát triển du lịch vùng này phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất. Đây cũng là một chương trình dài hạn và cần phải có sự phối hợp liên ngành, phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhân dân.