Quảng Nam: Phát hiện độc đáo tại tháp cổ Khương Mỹ
Nghệ thuật Khmer xen kẽ kiến trúc Chămpa
Những công trình kiến trúc này là kiểu tháp Chămpa truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông, mái tháp gồm 3 tầng. Tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch.
Mỗi tháp có một cửa ra vào và 5 cửa giả. Vòm cuốn trên các cửa uốn hình vòng cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu, đầu lá uốn cong xoắn xít, lá xếp thành nhiều tầng, thu nhỏ dần lên trên, phần đỉnh của mỗi vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành hình lá đề. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với các mảng tường trang trí hình thoi nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tường.
Theo nhà nghiên cứu Ph.Stern, tại Khương Mỹ, lần đầu tiên trong kiến trúc Chămpa xuất hiện một số mô-típ trang trí theo nghệ thuật Khmer (những hoa văn thảo mộc, cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu mút, lá có rãnh sâu; các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi những đường chéo và các đóa hoa cách điệu... là kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X). Phần lớn các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy ở Khương Mỹ trước năm 1945 đang được trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng.
Những tượng khỉ và nàng Sita
Tiếp tục các chương trình nghiên cứu khảo cổ về văn hóa Chămpa, từ đầu tháng 7/2007 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích - di sản tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam và khoa Sử trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội tiến hành khai quật, phát lộ phần chân tháp Khương Mỹ và thu được nhiều kết quả bất ngờ.
Kết thúc đợt khai quật 2007-2008, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 124 hiện vật, gồm có các loại phù điêu, tượng người; tượng động vật như rắn Naga, khỉ, ngựa, voi; các loại trang trí chân tường, trang trí góc tháp; chóp tháp... Đặc biệt nhất là quanh chân tháp đã xuất lộ 17 khối sa thạch có điêu khắc độc đáo. Đây là những khối đá có công năng bao giữ phần chân đế bằng gạch của tháp, đáng chú ý là các khối đá này không xếp liền kề nhau mà được xếp xen kẽ với các mảng chạm khắc bằng gạch, thể hiện một số cảnh sinh hoạt của loài khỉ như các chú khỉ đang gánh, ôm vác hành lý; vài chú khỉ đội hành lý trên đầu trong dáng vẻ đang lội nước; có chú khỉ bị rùa cắn, bên cạnh còn có thêm một chú khỉ con, dường như đang tìm cách gỡ giùm; một bức chạm khác thể hiện 3 chú khỉ đang đánh trống, nhảy múa có vẻ vui mừng... Đáng chú ý là tất cả các chú khỉ đều được thể hiện bộ phận giới tính rất rõ ràng.
Theo phân tích, những tượng khỉ này dường như có liên quan đến trường ca Ramayana nổi tiếng. Trong trường ca Ramayana, nàng Sita - vợ của hoàng tử Rama (một hóa thân của thần Vishnu) bị quỷ vương Ravana bắt đem về giam cầm trong lâu đài ở Sri-Lanka. Trên đường đi tìm Sita, Rama đã giúp đỡ vua Sugriva đánh bại kẻ tiếm ngôi; để trả ơn, Sugriva đã cử viên tướng tài ba nhất của mình là chúa khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp Rama đi cứu Sita. Cuộc hành quân của Rama đến Sri-Lanka khá gian nan, nhưng cuối cùng với sự giúp sức của đoàn quân khỉ, Rama đã tiêu diệt được quỷ vương Ravana cùng thuộc hạ... Có thể nói những cảnh chạm các chú khỉ trên phần trang trí chân tháp Khương Mỹ là một phát hiện mới rất độc đáo trong nghệ thuật Chămpa từ trước đến nay.