Phát triển du lịch cộng đồng- Xu thế phát triển du lịch trên thế giới hiện nay
Vấn đề đặt ra là: để khai thác được tiềm năng du lịch, người dân phải hiểu được các giá trị văn hoá mình đang nắm giữ và họ được hưởng lợi trong các hoạt động du lịch.
"Tây" thì thích, mà "ta" thì chán
Sa Pa (Lào Cai) mùa hè đông kín khách, trong đó phần đông là "khách ta" đến đây để tránh cái nắng 37-38 độ ở dưới đồng bằng. Các khách sạn ở thị trấn Sa Pa xinh đẹp ở độ cao hơn 1.600 mét so với mực nước biển này luôn "cháy phòng". Những tưởng khách du lịch đến đây để tìm hiểu những nét đặc sắc về thiên nhiên, phong tục văn hoá ở đây. Thế nhưng, khi hỏi chuyện một số khách du lịch người Việt về Sa Pa, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Nói chung cũng bình thường", hay "Cũng chẳng có gì"...
Kể câu chuyện này với một người bạn sống lâu năm ở Sa Pa, anh chia sẻ: "Nói chung nhiều người Việt Nam chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đi du lịch. Trong khi khách du lịch nước ngoài đến trèo đèo, lội suối, đi chơi, ngắm cảnh thiên nhiên, đi xuống các bản làng để hiểu về cuộc sống của người dân, thì mới thấy hay, thấy đẹp. Trong khi đó, khách trong nước lên đây thì chỉ quanh quẩn xung quanh thị trấn bé như bàn tay này, ăn xong lại về phòng ngủ nên chỉ lên đây 1-2 ngày là chán".
Du khách nước ngoài thích đi du lịch tới những bản, làng xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống là vì cảnh quan ở đây còn hoang sơ, những phong tục tập quán của đồng bào còn được lưu truyền, chưa mai một trong cuộc sống đương đại. Kinh nghiệm ở một số nơi như Sa Pa (Lào Cai), bản Lác, Giang Mỗ (Hoà Bình), khách du lịch nước ngoài thường thích đi bộ vào những bản làng vùng sâu, vùng xa, sống và sinh hoạt cùng người dân. Người dân có thể cung cấp những dịch vụ khác nhau như: phòng trọ, nấu ăn, dẫn đường, vác đồ, hướng dẫn thực hiện các công việc nhà nông, hoặc bán những sản phẩm lưu niệm như: thổ cẩm, đồ mây tre đan, các sản phẩm mỹ nghệ hoặc biểu diễn các loại hình văn hoá dân gian. Điều hấp dẫn du khách chính là vẻ đẹp nồng hậu, chân chất, thật thà của người dân ở các bản làng nơi đây. Chính vì thế, điều mà du lịch Việt Nam cần hướng tới là bảo tồn những nền văn hoá, kết hợp giữa nhà nước, nhân dân và các nhà kinh doanh du lịch, có các phương pháp một cách bài bản.
Người dân phải quí vốn văn hoá của mình và phải được hưởng lợi
Anh Hà Quốc Trung- Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Trung tâm đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng như ở thôn Cát Cát, Bản Hồ, Tả Phìn, thôn Trung Đô (Bắc Hà). Các điểm tham quan như vậy giữ chân khách lưu lại ở Sa Pa, Lào Cai và ở các điểm lâu hơn. Đồng thời việc tổ chức các điểm du lịch ở các thôn, bản giúp người dân ở các bản này có nguồn thu nhập khá ổn định. Ví dụ ở Bản Hồ, trung bình mỗi gia đình thu của mỗi khách lưu trú tại nhà khoảng 50.000 đồng một ngày đêm. Bình quân mỗi tháng mỗi gia đình đón 50 đến 70 khách. Ngoài ra người ta còn có thêm các dịch vụ kinh doanh ăn uống, rồi bán những quà lưu niệm thổ cẩm, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
"Phải cho người dân thấy là họ có lợi"- Đó là quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình- ở Văn phòng Tổng Cục Du lịch Việt Nam. Ông phân tích: "Nhân dân là người chủ sở hữu của những di sản văn hoá, nhưng lâu nay chúng ta thường khai thác thôi. Chúng ta tự đưa khách đến rồi khai thác lấy và để lợi cho các nhà doanh nghiệp, còn người dân thì chỉ được hưởng những cái lợi nhỏ (có buôn bán nhỏ). Thế nên, chúng ta phải nghĩ tới hình thức làm sao thu hút được nhân dân tham gia vào việc bảo tồn đó bằng cách chia sẻ quyền lợi cho họ. Du lịch cộng đồng, có nghĩa là cộng đồng dân cư phải có lợi ích trong đó, từ đó họ mới thấy được cái giá trị của di sản. Người dân thấy nếu giữ được di sản tốt, khách du lịch mới đến nhiều, các nguồn lợi tăng, thì họ mới tham gia vào bảo tồn văn hoá để phát triển du lịch".
Du lịch cộng đồng đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân thể hiện ở chỗ: Trước hết, người dân có được nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách và những nguồn thu này đôi khi lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến là những lợi ích từ việc phát triển cơ sở hạ tầng. Một khu du lịch phát triển, sẽ thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, thu hút các nhà đầu tư phát triển hệ thống đường sá, hệ thống cấp điện, nước, mạng lưới thông tin, y tế, chỉnh trang nhà cửa, cảnh quan, môi trường. Đấy là những lợi ích cụ thể chung cho cộng đồng, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ngoài ra, còn những lợi ích thiết thực khác như công ăn việc làm, giao lưu văn hoá và đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hoá được nâng cao. Như vậy, đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, việc phát triển du lịch cộng đồng hay du lịch dựa vào cộng đồng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện và chắc chắc sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là phương thức hữu hiệu để phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc vùng cao, bảo tồn được môi trường tự nhiên và văn hoá bản địa.
Để phát triển du lịch cộng đồng, các doanh nghiệp phải tăng cường nghiên cứu thị trường, định hình sản phẩm và cùng với cộng đồng nghiên cứu tổ chức đầu tư phát triển sản phẩm; tổ chức quản lý khai thác và quảng bá, xúc tiến sản phẩm. Bên cạnh trách nhiệm với Nhà nước thông qua các loại thuế, các doanh nghiệp du lịch còn phải có trách nhiệm đối với chủ nhân của các tài nguyên, tức cộng đồng nơi điểm đến. Nhiều nơi đã thiết lập được sự liên kết làm ăn hiệu quả giữa nhân dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp được chia sẻ lợi ích cho cộng đồng, còn cộng đồng thì tham gia bảo vệ và tôn tạo tài nguyên. Như vậy đây là một vòng khép kín biện chứng. Nếu tất cả đều nhận thức được tốt vấn đề này thì sẽ bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hoá tộc người và đây sẽ là cơ sở cho phát triển du lịch bền vững.
Cuối cùng là sự liên kết để phát triển. Kinh nghiệm cho thấy để có sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và có sức hấp dẫn cao, cần phải có sự liên kết giữa các địa phương. Cần khai thác các thế mạnh khác nhau, các nguồn tài nguyên khác nhau của mỗi địa phương để xây dựng các chương trình du lịch hợp lý, độc đáo./.