Non nước Việt Nam

Tết Xíp Xí của đồng bào dân tộc Thái, Sơn La

Cập nhật: 01/09/2008 16:09:06
Số lần đọc: 2276
Tết Xíp Xí của đồng bào Thái, đây là một phong tục giống như lễ rằm tháng 7 âm lịch của người Kinh. Nói về phong tục này, có người bảo: "Mai về quê mới, phải mang Xíp Xí theo cùng...!". Ðó là nguyện vọng chính đáng, là cách bà con thể hiện tình yêu quê hương bản quán, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Xíp Xí khởi nguồn bắt đầu từ dân tộc Thái Trắng. Quá trình di cư, giao thoa văn hóa đã làm cho Xíp Xí trở nên phổ biến. Ngày nay nhiều dân tộc, nhiều vùng ở tỉnh Sơn La cùng ăn Tết Xíp Xí. Tuy nhiên, giá trị lịch sử và văn hóa của loại hình sinh hoạt mang tính bản địa này không phải ai cũng biết. Vì thế, được tìm hiểu về nó và thưởng thức Tết Xíp Xí với đồng bào lần này đối với chúng ta là một dịp may.

 

Tết Xíp Xí có hai phần, phần mo - thờ cúng tổ tiên, nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản và phần ăn uống, vui chơi văn hóa văn nghệ. Theo quan niệm của người Thái, người chết thì hồn bay về trời. Cuộc sống nơi trần gian của con người được tổ tiên, thần sông, thần núi che chở nên họ rất coi trọng thờ cúng. Tập tục sinh hoạt và yếu tố sản xuất là cơ sở hình thành nên quan niệm về Tết Xíp Xí ngày 14/7 âm lịch. Ðây là khoảng thời gian kết thúc vụ thu hoạch, công việc cấy cày cho vụ mùa mới vừa xong, người nông dân thực hiện "quai khẩu púng" (thả trâu vào rừng).

 

Ðược mùa, ăn cơm mới, việc đầu tiên là nhớ đến đất trời cho mưa thuận gió hòa, nhớ đến ông bà tổ tiên phù hộ độ trì, lẽ tự nhiên ấy dân tộc nào cũng giống nhau. Vì vậy, Xíp Xí của đồng bào dân tộc Thái đồng nghĩa với việc cúng "Nà Hoóng" (cúng trong nhà) và "cúng tế ná" (cúng ruộng). Ðồ vật cúng gồm: thịt, rượu, "khẩu cắm" (cơm nếp nhuộm mầu), bánh chưng gù. Riêng Tết Xíp Xí, cúng gì thì cúng nhưng không thể thiếu  "nhớ tu pết" (thịt vịt). Người ta giải thích rằng, con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, đời sống sản xuất của con người. Xíp Xí cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng nước.

 

Xíp Xí không chỉ có ăn uống, vui chơi mà cùng gắn với hoạt động ấy là "khắp chúc muôn" (hát chúc mừng), "khắp khoắm son cún" (hát dạy làm người). Người ta "khắp long te" (hát bè trên sông), "khắp báo sao" (hát trao duyên), hát lúc ăn uống, lúc  thăm nhau.

 

Trong bữa cơm gia đình, người ta trò chuyện vui vẻ, hỏi thăm ý nhị, chúc tụng cởi mở. Khi cao hứng, chủ nhà với cây đàn "tính tẩu" (đàn bầu người Thái) để ở đầu giường giãi bày tình cảm, ngôn từ mộc mạc, âm thanh réo rắt, làm cho bữa tiệc không còn là say rượu mà say tình, say nghĩa. Ðồng bào các dân tộc ở huyện Quỳnh Nhai tuy ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống văn hóa tinh thần lại rất phong phú, tấm lòng hiếu khách chân thành và luôn rộng mở. Làm cho ai đã từng đến đây, dù một lần phải nhớ mãi.

 

Sau Xíp Xí, mùa sản xuất mới lại đến. Vừa sản xuất, vừa chuẩn bị tốt công tác di dân mùa khô năm 2008. Những ngày tới đây, cả Quỳnh Nhai lại tập trung cao độ cho di chuyển dân TÐC thủy điện Sơn La. Lời hẹn nơi quê cũ, cùng với điệu múa, lời ca từ Xíp Xí này sẽ lại vang xa, hòa quyện vào đất trời nơi quê mới. Hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến với đồng bào các dân tộc Quỳnh Nhai.  

Nguồn: website Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT