Tập quán cho đuốc của cư dân xứ dừa, Bến Tre
Đây vừa là một nét đẹp truyền thống trong tính cách vừa thể hiện tính cộng đồng rất cao trong đời thường cũng như trong đấu tranh kiên cường bất khuất để giữ nước. Bởi thế, khi tìm hiểu văn hóa ứng xử của cư dân xứ dừa ta không thể không nhắc tới .
Ngọn đuốc lá dừa là một trong những đặc trưng văn hóa độc đáo trong đời sống của cư dân Bến Tre. Cũng như ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, người đi đường trong đêm đều phải dùng đuốc. Ngọn đuốc ở Bến Tre được làm từ lá của cây dừa, một thứ nguyên liệu rất sẵn trong vùng, có thể so sánh như đuốc tre nứa hay bằng dầu thực vật ở các vùng khác.
Người ta dùng hai nắm lá dừa trở đầu nhau, buộc bằng 3,4 nút lạt để đi những đoạn đường gần, loại này có khi không cần bó sẵn. Khi cần, người ta chỉ việc tiện tay rút lá từ bó lá dừa dùng để nhóm bếp, nhanh nhẹn làm đuốc trong chốc lát. Đuốc còn có nhiều cỡ tùy theo độ dài của chót lá dừa. Khi bó đuốc người ta khéo léo “gói” thêm lá dừa rời vào giữa để đuốc tròn, đẹp hơn, cháy tốt, bền hơn, sáng hơn. Đuốc thường được buộc bằng dây dừa, cách độ gang tay lại buộc một nút. Người bó đuốc khéo phải biết chọn chót tàu dừa lão đã phơi khô, có sống nhỏ, lá dày để đuốc không nặng mà cháy rất tốt. Bó đuốc đẹp phải tròn, nút lạt đều đặn, hai đầu được chặt bằng và cũng bó vừa tay không quá chặt cho đuốc dễ cháy.
Muốn thắp đuốc ta đốt từ đàng ngọn, khẽ huơ nhẹ cho đuốc luôn giữ một độ sáng nhất định. Người biết cách có thể để đuốc cháy được lâu, đi được một đoạn xa không phải “xin đuốc” dọc đường. “Đi đuốc” còn phải tùy hướng gió mà đổi tay cho khỏi bị tàn bay cháy áo quần hoặc ảnh hưởng người đi sau, phải biết tùy lúc mà quơ đuốc hoặc mở thêm nút lạt, nếu không dễ bị tắt đuốc giữa đường. Dọc đường đi phải biết cách tránh rơi tàn vào rơm rạ, lá khô, lúc dụi đuốc phải dụi thật tắt để tránh trường hợp đuốc gặp gió tự bùng lên gây hỏa hoạn.
Trước mùa mưa nhà nào cũng lo bó đuốc, phơi khô, gác lên giàn để dành hoặc khi thấy kho đuốc đã vơi, lựa những ngày nắng tốt các mẹ, các chị lại bó đuốc bổ sung để trong nhà không bao giờ thiếu đuốc.
Người ta trữ đuốc trong nhà để sử dụng khi đi lại trong đêm và cũng để giúp cho người lỡ đường ghé nhà xin đuốc. Người cho đuốc luôn luôn vui vẻ sẵn sàng cho dù khách lỡ đường gọi lúc nửa đêm. Thường chủ nhà nài cho khách thêm một cây đuốc nhỏ để phòng hờ cho chắc, không bị thiếu dọc đường. Người xin đuốc cũng tùy độ đường mà chọn đuốc dài hay ngắn, xin vừa đủ không xin hơn.
Việc chuẩn bị sẵn đuốc dự phòng trong mỗi nhà để giúp khách lỡ đường thiếu đuốc là một biểu hiện tình làng nghĩa xóm sâu đậm của cư dân Bến Tre bao đời nay. Đây là một lối ứng xử văn hóa truyền thống hết sức tốt đẹp trong cộng đồng của người xứ dừa. Tập tục này thể hiện nghĩa cữ cao đẹp giữa con người với con người một cách hết sức tự giác. Truyền thống “tắt lửa tối đèn có nhau”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, có lẽ xuất phát từ những lối ứng xử văn hóa truyền thống cao đẹp ấy mà người dân Bến Tre sau này luôn luôn chung lòng chung sức trong mọi sinh họat cộng đồng, điển hình hơn cả là những ngọn đuốc Đồng khởi đồng loạt bừng sáng, toàn dân đứng lên đồng lòng quật khởi, giành quyền chủ động tấn công, tạo nên một bước ngoặt lớn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Cây đuốc dừa từ rất lâu còn là ám hiệu để gọi đò. Những chiếc đò dọc chạy trong đêm khuya trên sông rạch hễ thấy bến nào có ngọn đuốc quơ là ghé vào rước khách. Đó là một qui ước “bất thành văn” từ bao đời nay ở vùng sông nước Bến Tre.
Ngày nay dù khắp xứ dừa đã có điện, có đèn ắc - qui, đèn pin nhưng những lúc có việc ban đêm người ta vẫn đốt đuốc lá dừa mà đi, hình như vì vẫn luyến tiếc cái hương thơm gợi nhớ rất đặc trưng của khói đuốc lá dừa đã trở nên quá thân thuộc.
Ngọn đuốc lá dừa gắn bó với con người từ lúc sắp chào đời cho đến khi giã từ nhân thế. Ngày xưa khi người vợ chuyển dạ lúc đêm hôm người chồng vội đốt đuốc, “ba chân bốn cẳng” chạy đi rước bà mụ về đỡ đẻ - khởi đầu sự sống của một con người đã có ngọn đuốc góp phần. Đến lúc về nơi chín suối, dù là đêm hay ngày người ta vẫn đốt đuốc khi “đưa linh” ra huyệt mộ, người ta quan niệm rằng người chết thuộc về cõi âm rồi sẽ rất tối tăm nên cần có đuốc đưa đường. Đó cũng là một nghi thức tiễn đưa truyền thống chỉ có ở xứ dừa.
Ngày nay, khi điện đã tỏa sáng trong khắp xóm thôn nhưng trong những lễ hội truyền thống, những tuyến du lịch dân dã, ngọn đuốc lá dừa vẫn còn thắp sáng tạo nên một bản sắc văn hóa riêng của quê dừa không nơi nào có được.