Non nước Việt Nam

Lễ hội Xòe Chá- Nét văn hóa của người Thái trắng Mộc Châu (Sơn La)

Cập nhật: 10/09/2008 15:09:06
Số lần đọc: 2094
Lễ hội Xòe Chá là lễ hội đoàn kết cộng đồng làng bản trước mùa xuân sang, mùa của vạn vật cỏ cây đâm chồi nảy lộc, mùa của sức sống mãnh liệt tình yêu đôi lứa. Ðây là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, có ý thức gắn kết sát cánh bên nhau tự tin bước vào mùa vụ mới.

Thường thì Lễ hội Xòe Chá hàng năm được tổ chức vào mùa xuân, mùa lễ hội hoa ban, hoa mạ nở trắng rừng. Song, để quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa lâu đời  này, tại Ngày hội Du lịch- Văn hóa Mộc Châu năm 2008, nhân dân bản áng, xã Ðông Sang (Mộc Châu) đã tổ chức lễ hội Xòe Chá, thu hút đông đảo du khách thập phương đến xem, cổ vũ. 


Ông Hoàng Văn Xuyên, 70 tuổi, ở bản áng, là chủ biên chính trong việc sưu tầm và đạo diễn kịch bản lễ hội Xòe Chá, cho biết: Bản áng là một trong những bản có nhiều nghệ nhân "Hết Chá" (biết tổ chức và giữ được nghi lễ Xòe Chá) lâu đời nhất của cả vùng. Những năm 60 trở về trước, các nghi lễ "Hết Chá" thường xuyên duy trì và tổ chức đều đặn hàng năm vào mùa xuân, do các cá nhân, hộ gia đình có điều kiện luân phiên đứng ra tổ chức với sự tham gia của cộng đồng làng bản. Từ giữa những năm 60 trở lại đây, Lễ hội "Hết Chá" đã bị mai một dần. Các nghệ nhân ở tuổi "thất thập cổ lai hi" nên có nguy cơ thất truyền các nghi thức về lễ hội "Hết Chá" cho con cháu đời sau. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về "Xây dựng, bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", lễ hội "Hết Chá" đã được chi hội Người cao tuổi của bản nghiên cứu, sưu tầm, chắt lọc dàn dựng để lưu truyền cho con cháu đời sau, trong đó có hội Xòe Chá.


Lễ hội Xòe Chá là ngày hội đoàn kết gắn bó cộng đồng dân tộc, nghĩa tình làng xóm, mang tính nghệ thuật nhân văn sâu sắc, khơi dậy cuộc sống bình dị đời thường gắn liền với thiên nhiên. Tất cả ý nghĩa đó còn được thể hiện trên cây Nêu (xẳng chá) với nhiều loài động, thực vật tượng trưng như: ếch, nhái, chim muông, ve sầu, cỏ cây, hoa lá, trống chiêng, thuyền bè... muôn màu sắc được gắn liền với đời sống con người. Trong quá trình diễn ra lễ hội còn có sự đan xen, một số tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn, nhằm phê phán những thói hư, tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống đời thường. Có những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, duyên dáng đôi lúc tung hứng nhộn nhịp, khỏe khoắn hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng và âm thanh trầm bổng của đội nhạc tăng bu như đang mời gọi.


Bây giờ, Xòe Chá đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng và phục vụ du khách về thăm điểm du lịch Rừng Thông bản áng.

Nguồn: Báo Sơn La

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT