Nhìn ra thế giới

2023 là năm quan trọng của du lịch châu Á - Thái Bình Dương

Cập nhật: 03/02/2023 10:32:09
Số lần đọc: 599
Trang Asia Media Centre cho rằng năm nay được cho là một năm lớn đối với ngành du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương.

Du lịch châu Á đã bắt đầu phục hồi vào năm 2022, với ngày càng nhiều quốc gia mở cửa biên giới. Và giờ đây, Trung Quốc đã mở cửa, người dân nước này đang sẵn sàng cho các chuyến du lịch theo nhóm ra nước ngoài từ ngày 6/2 tới.

Thông tin này đã mang lại điều mà ngành du lịch toàn cầu mong đợi trong gần ba năm: sự trở lại của thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới.

Năm 2023 du lịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ cất cánh. Nguồn: Unsplash.

200 triệu khách du lịch Trung Quốc đi nước ngoài vào năm 2028

Từ ngày 6 tháng 2, tour du lịch theo nhóm của Trung Quốc sẽ bắt đầu tới 20 điểm đến. 11 nơi trong số này, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Maldives, Sri Lanka, Philippines, Malaysia, Singapore, Lào, New Zealand và Fiji, là ở châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù xu hướng du lịch cá nhân của du khách Trung Quốc cũng đã bắt đầu manh nha từ trước đại dịch, nhưng việc các tour khách đoàn lớn được phục hồi sớm vào thời điểm hiện tại cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược ngắn hạn của các hãng hàng không Trung Quốc.

Đà phục hồi của du khách Trung Quốc ra nước ngoài được dự báo là rất mạnh mẽ. Các nhà phân tích dự đoán du lịch Trung Quốc ra nước ngoài sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm 2023. Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài Trung Quốc (COTRI) cho biết, vào năm 2025, số chuyến đi của người Trung Quốc ra nước ngoài sẽ đạt 179 triệu chuyến, vượt mức của năm 2019.

Đến năm 2028, Trung Quốc sẽ đạt 200 triệu chuyến đi ra nước ngoài. Đây là một tốc độ rất nhanh, chỉ 14 năm sau khi nước này ghi nhận 100 triệu chuyến đi ra nước ngoài vào năm 2014 và đáng chú ý là bao gồm cả 3 năm nước này đóng cửa.

Phục hồi lại nhu cầu du lịch trong khu vực

Vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa gì đối với các nền kinh tế du lịch của châu Á Thái Bình Dương?

Thứ nhất, nó sẽ kích thích nhu cầu du lịch quan trọng cho toàn ngành du lịch và lữ hành ở châu Á Thái Bình Dương sau thời gian khó khăn vừa qua.

Một thống kê nhanh quanh khu vực cho thấy rằng vào năm 2019, Trung Quốc là thị trường du khách số một của Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở Đông Nam Á, đây là thị trường du khách hàng đầu đối với Campuchia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, và đứng thứ hai đối với năm quốc gia khác. Du khách Trung Quốc cũng là nguồn khách lớn thứ hai đối với thị trường New Zealand.

Mặc dù du lịch châu Á Thái Bình Dương đã dần phục hồi trong năm 2022, nhưng kết quả chưa đồng đều. Rất nhiều điểm đến trong khu vực đều báo cáo số lượng khách đến năm 2022 chưa thực sự ấn tượng.

Thêm vào đó, với dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ nghiêm trọng trong quý hai năm nay, ngành du lịch châu Á rất cần động lực để phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), hơn 900 triệu khách đã đi du lịch quốc tế vào năm 2022, chiếm 63% so với năm 2019. Tuy nhiên, châu Á Thái Bình Dương chỉ đạt mức phục hồi 23% so với năm 2019, thấp hơn nhiều 79% ở châu Âu và 65% ở châu Mỹ.

Gia tăng cạnh tranh giữa các điểm đến

Năm 2023 cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2019, châu Á Thái Bình Dương dự tính có một năm hoạt động du lịch sôi động khi tất cả các quốc gia đều đã mở cửa. Các điểm đến sẽ quảng bá mạnh mẽ để thu hút khách du lịch từ khắp thế giới, không chỉ từ Trung Quốc.

Một cuộc cạnh tranh thú vị có thể sẽ diễn ra giữa Thái Lan và Nhật Bản khi cả hai đều đang hướng đến để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực vào năm 2023. Cả hai nước này đều được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, đặc biệt là khi Nhật Bản đã gỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh hiện tại đối với du khách Trung Quốc.

Nhật Bản và Thái Lan cũng đã chào đón lượng du khách kỷ lục vào năm 2019: 31,9 triệu tới Nhật Bản và 39,9 triệu tới Thái Lan. Dù hai nước này không thể đón được lượng khách tương tự vào năm 2023 nhưng đều được dự báo sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng. Thái Lan, nơi đón 11,2 triệu du khách vào năm 2022, có thể sẽ tăng gấp đôi con số đó. Còn Nhật Bản, mới mở cửa trở lại vào tháng 10 năm 2022, cũng có thể sẽ vượt 20 triệu du khách trong năm nay.

Những thách thức mới sẽ xuất hiện

Dù vậy, đà phục hồi của ngành du lịch trên khắp châu Á Thái Bình Dương có thể vẫn phải đối mặt nhiều thách thức. Ngành du lịch vẫn còn thiếu nhân viên và nguồn lực hạn chế. Hiện vẫn chưa rõ các sân bay, trung tâm giao thông và những điểm đến ở khu vực này sẽ đối phó với lượng du khách tăng đột biến như thế nào.

Thêm vào đó, câu hỏi về biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững cũng đang được đặt ra với hoạt động du lịch. Câu hỏi về chất lượng và số lượng du khách sẽ lại nổi lên ở một số điểm đến, đặc biệt là những nơi du lịch có tác động lớn đến môi trường và cộng đồng.

Đối với châu Á Thái Bình Dương, một kỷ nguyên mới của du lịch và lữ hành sẽ bắt đầu ngay từ lúc này. Nhiều mô hình du lịch mới đang dần xuất hiện và các dự báo về ngành này cũng sẽ thường xuyên được sửa đổi.

An Bình

 

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 03/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT