Hành trang lữ khách

Bánh đúc - Món ngon đồng quê đất Việt

Cập nhật: 26/09/2008 15:09:13
Số lần đọc: 2748
Thật may sao, trong cuộc phi nước đại của công nghệ ẩm thực mới vốn không chừa cả đến những làng xa xóm vắng, một số những món ăn đẫm mùi đồng đất quê nhà vẫn còn giữ lại được. Và bánh đúc, món tận cùng của thô mộc nhưng lại đầy phong vị đồng quê cũng thế, vẫn còn tìm được chỗ nơi quán làng và cả chợ phố, chợ quê...

Nhắc đến bánh đúc có lẽ sẽ là một hoài niệm làm đói lòng nhiều người xa xứ, cả đến kẻ sang giàu, quyền quý vốn ra đi từ đồng ruộng. Cái món ăn giờ được cho là bình dân trên tất cả các món bình dân đó, chỉ cách đây chừng ba chục năm thôi, vẫn còn là món mà không phải lúc nào người dân quê cũng có ăn cho thoả nỗi thèm. Bánh đúc rẻ, rẻ nhất trong tất cả các loại bánh trái được làm từ hạt gạo, nhưng cuộc sống nông thôn ngày đó khó khổ trăm bề, dễ gì ai cũng sẵn tiền sẵn gạo để có bánh đúc ăn. Chỉ những lúc xong mùa màng, để ăn mừng mùa gặt, những bà mẹ siêng năng, nhà lại khá giả hơn mới làm được “bữa cỗ” bánh đúc cho gia đình. Không có cối xay bột, các mẹ phải ngâm gạo rồi đem phơi khô để giã, rây lấy bột làm bánh. Bởi vậy, thật sung sướng, hạnh phúc khi nhà ai kia rơm mới đã chất vào cây lại được xôn xao với bữa bánh đúc tự làm.

 

Bao lâu rồi tôi vẫn nhớ mình đã nhảy cẫng và reo lên như thế nào mỗi khi “được tin” mẹ sẽ làm bánh đúc mừng lúa mới. Dù những giỏ bánh to bằng chiếc thau nhỏ được bày đầy bàn tôi vẫn cứ trách mẹ sao không làm nhiều thêm nữa - nỗi thòm thèm khi ăn miếng bánh đúc nhỏ mẹ mua từ chợ về vẫn cứ ám ảnh tôi. Mẹ tôi khéo tay bánh trái nên bánh đúc mẹ làm vẫn không thua bánh đúc chợ. Mặt bánh bóng láng, bánh không cứng và không mềm nhão bởi bột làm bánh được pha vừa độ lỏng. Nhưng đẹp nhất là “nước da” sẫm hồng của bánh nhờ được làm bằng gạo đỏ, lại được pha vào loại vôi ăn trầu có màu hồng. Sung sướng với tôi là được thưởng thức trước cái mùi thơm quyến rũ của dầu phộng khử sôi với củ nén, của mớ đậu phộng rang giòn khi tôi được mẹ cho phết dầu và rắc đậu lên mặt bánh. Với chén mắm cơm hay mắm cái trộn ớt tỏi, từng giỏ bánh được rạch cắt thành những lát nhỏ, với chiếc “siêu” tre bén nhọn, mỗi người một giỏ, thật thoả thuê bữa cỗ bánh đúc tại nhà. Cái mùi thơm của đậu phộng rang và dầu phộng khử nén cộng với mùi thơm của lát bánh phảng phất mùi lá chuối hấp và mùi vôi trầu, tất cả đã tổng hoà thành một hương vị chung tạo nên cái ngon riêng của bánh đúc mà ai đã ngồi lại ăn là phải ăn... đến bến. Bánh đúc là bánh thơm bánh thảo. Mẹ tôi nói thế nên mỗi lần làm bánh đúc mẹ thường dành phần để biếu hàng xóm. Và tôi cũng đã bao lần vui sướng khi được ăn bánh đúc của xóm giềng.

 

Bánh đúc chỉ ngon với phần nhưn đậu phộng rang rắc lên trên lớp dầu phộng khử nén. Cũng như nhiều người, mẹ tôi đã có lần đã thử thay nhưn cho bánh đúc bằng tôm, thịt nhưng rốt cuộc vẫn thấy không hợp gu nên lại phải quay về với món nhưn mà người xưa đã chọn. Nhưng thay màu cho bánh đúc thì nhiều người vẫn thường làm. Như mẹ tôi, thỉnh thoảng lại làm bánh đúc vang - loại bánh đúc đặc biệt mà không phải lúc nào các hàng quán cũng có bán. Được tạo màu bằng nước sắc từ gỗ cây vang đỏ pha vào bột, bánh đúc vang có màu đỏ tươi, đã thơm lại có vị ngọt nhẹ, rất ngon và bổ. Có người còn vắt nước củ nghệ hay lấy ruột quả gấc chín để tạo màu vàng và làm thơm, bổ cho bánh đúc.

 

Không thấy có chuyện tích nào về bánh đúc. Nhưng chắc chắn loại bánh được làm từ hạt gạo với cung cách hết sức giản đơn này có từ rất sớm. Bao đời qua vẫn không ai cách tân hình dáng, cách làm, cách ăn bánh đúc, vẫn cứ như ngàn xưa, thô mộc, giản dị. Bánh đúc không ngon như bún mì miến phở, vậy mà ai cũng thích ăn và ăn hoài vẫn không ngán. Mươi năm lại đây khi hạt gạo bớt đi nỗi dằn vặt kẻ ruộng đồng, cuộc sống nông thôn có chút thư nhàn hơn, làng quê nào cũng có máy xay bột gạo thay cho chiếc chày giã bột nhọc nhằn, bánh đúc được làm nhiều hơn ở mỗi gia dình. Rồi bánh đúc bán ở quán làng, quán chợ, cả đến người bán rong mang đến tận nhà, chỉ vài ba ngàn đồng là có thể no bụng với miếng bánh đầy phong vị. Như củ khoai trái đậu gợi thèm kẻ sang giàu, bánh đúc thô mộc được bày bán nơi hàng quán ở phố phường nay vẫn đắt người ăn. Có lẽ cái phong vị đồng quê trong giỏ bánh đúc chân phương, gần gũi với tự nhiên, với cuộc sống là căn cốt hương vị của các loại vật thực đến từ đồng đất đã khiến bánh đúc có sức sống ngàn năm như chính đồng đất và quê làng đất Việt!

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục