Thừa Thiên-Huế: Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào thế mạnh di sản
Phát triển sản phẩm du lịch từ di sản
Thế mạnh về văn hóa - di sản vẫn là điểm nhấn trong việc xây dựng sản phẩm du lịch của Thừa Thiên - Huế. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: trong năm 2013 có gần 2,1 triệu lượt khách tham quan di sản Huế. Cùng với việc xây dựng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ trong khu di sản, doanh thu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế năm 2013 đạt gần 130 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với 2012.
Nhằm khai thác tốt thế mạnh của du lịch di sản, từ năm 2014 đơn vị quản lý di tích Huế đã thực hiện thêm nhiều chương trình hấp dẫn du khách như: biểu diễn Nhã nhạc cung đình vào các buổi tối và tái hiện nghi thức cung đình tại khu vực Trường Lang – Tử Cấm Thành (Đại Nội Huế); trình diễn áo dài Huế và trang phục cung đình…
Riêng tại kỳ Festival Huế 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức chương trình Đêm Hoàng cung với nội dung và hình thức phong phú, hấp dẫn hơn các kỳ trước. Sản phẩm du lịch này sẽ khai thác các giá trị văn hóa di sản vật thể và phi vật thể, văn hóa ẩm thực xứ Huế. Tái hiện một không gian ban đêm trong Hoàng cung lung linh, huyền ảo, rực rỡ với nhiều nội dung: chương trình nghệ thuật diễn xướng cung đình; các trò chơi cung đình và dân gian; ẩm thực cung đình…
Du lịch Huế ban đêm cũng luôn bị phàn nàn là thiếu sản phẩm. Ngoài ca Huế trên sông Hương, ít có những chương trình vui chơi, thưởng thức văn hóa đêm. Cũng để du khách thưởng thức một Huế về đêm trọn vẹn, trong năm 2013 vừa qua, doanh nghiệp Viết Bảo QB cũng đã xây dựng tour thưởng thức văn hóa “Huế dịu dàng”. Tour không chỉ biểu diễn ca Huế, mà còn trình diễn áo dài xứ Huế, thưởng thức trà sen Huế và bánh Huế.
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế khẳng định rằng chính Festival Huế định kỳ 2 năm một lần (các năm chẵn) cũng là một chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc dựa trên thế mạnh của văn hóa- di sản Huế; có tác động và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch địa phương.
Mở rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm
Trong năm 2013, Thừa Thiên - Huế đã đón gần 2,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 930.000 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách đến Huế giai đoạn 2009-2013 khoảng 15%. Doanh thu du lịch đạt gần 2.500 tỉ đồng vào năm 2013; tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu du lịch giai đoạn 2009-2013 là 32%.
Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên- Huế cho biết, thị trường khách quốc tế đến Huế tập trung là Thái Lan, Pháp, Úc, Đức, Mỹ… Ngành du lịch Huế sẽ tiếp tục thu hút thị trường Đông Bắc Á, vùng ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ… với việc mở rộng, nâng cấp các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch sinh thái, cộng đồng. Riêng với du khách nội địa, thị trường Bắc Bộ và Nam Bộ chiếm phần lớn, chủ yếu tập trung sản phẩm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
Mới đây, Vietravel đã tổ chức khảo sát, xây dựng và giới thiệu tour “Về miền di sản Cố đô” nhằm giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế những điểm tham quan văn hóa, cộng đồng đặc trưng của Huế. Ngoài du lịch di sản là điểm nhấn và thế mạnh thì việc xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cũng được nhiều hãng lữ hành quan tâm.
Anh Trần Quang Hào - Giám đốc Huetourist cho biết, vùng miền núi A Lưới lâu nay ít ai biết đến nhưng những năm gần đây đơn vị anh đã mạnh dạn dựng tour cho các đoàn khách quốc tế. Tour này vừa thăm lại chiến trường xưa, vừa du lịch sinh thái và trải nghiệm nét độc đáo của văn hóa địa phương. “Mỗi tháng chúng tôi đều có các đoàn khách của Đức, Hà Lan đặt tour này.
Ngoài ra, du lịch cộng đồng ở các địa phương vùng ven cũng được nhiều hãng lữ hành quan tâm như: tour thăm phiên chợ quê và trải nghiệm cuộc sống ở khu vực di tích Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy); tour du lịch homestay ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền); về thăm tranh làng Sình, hoa giấy làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang)…
Tuy nhiên, nhiều du khách và các hãng lữ hành đến Huế cho rằng, ngoài thưởng thức văn hóa - di sản, trải nghiệm vùng quê, thì TP. Huế vẫn đang còn “vắng” nhiều khu vui chơi, giải trí./.