Xây dựng Làng văn hóa du lịch, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Tây Nguyên
Tây Nguyên- mảnh đất đại ngàn với những giá trị văn hóa phi vật thể vô giá, lại bị đánh giá là đang đứng trước nguy cơ mai một, đặc biệt là sự mất đi không gian thiêng vốn có: Những đêm hát kể sử thi, những nhạc cụ dân tộc và các hình thức hát dân ca, dân vũ… vẫn được duy trì, nhưng thiếu linh hồn vì tâm lý và không gian diễn xướng bị thay đổi; không gian sống của các cư dân có cồng chiêng đã gần như thay đổi hoàn toàn; những loại hình kiến trúc dân gian đặc sắc của đồng bào như nhà rông, nhà dài và nhà mồ đang mất dần, thay vào đó là những thiết chế văn hóa hiện đại – những nhà văn hóa cộng đồng bằng bê-tông; sản phẩm các nghề thủ công truyền thống của đồng bào chứa một hàm lượng lớn văn hóa tộc người lại đang tồn tại lay lắt, thậm chí một số nghề đang mất hẳn. Việc xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch vì vậy được đặc biệt quan tâm.
Xã Đưng Knớ - tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là địa phương còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Hơn nữa đây là địa phương không quá cách xa trung tâm du lịch Đà Lạt vì thế Lâm Đồng đang tiến hành xây dựng dự án Xây dựng các làng văn hóa du lịch tại đây. Dự án này sẽ vừa giúp người dân có thêm thu nhập cải thiện đời sống vừa tạo ra động lực bảo tồn văn hóa bản địa và quảng bá những giá trị văn hóa ấy đến với du khách.
Thôn Cnớ, xã Đưng Knớ là một trong những địa phương thuộc diện vùng sâu vùng xa của tỉnh Lâm Đồng. Đồng bào sinh sống ở đây chủ yếu là dân tộc Cờ ho. Dệt thổ cẩm vẫn là công việc quen thuộc của những người phụ nữ mỗi khi rảnh rỗi, khi công việc đồng áng và việc chăm sóc gia đình đã tạm ngơi tay. Thổ cẩm của người Cờ ho có họa tiết trang trí đặc biệt mà chỉ những người phụ nữ địa phương mới biết làm. Hơn thế, những mảnh vải thổ cẩm cũng rất bền và được đồng bào ưa thích nên công việc làm thêm này hiện vẫn tạo ra một nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình.
Việc người dân địa phương vẫn còn ưu tiên sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong cuộc sống thường ngày thực sự đã tạo điều kiện để những nghề thủ công truyền thống tồn tại dưới mỗi mái nhà và trong các bản làng của đồng bào Cờ ho.
Già làng Rauom Pa tang cho biết, những chiếc gùi, chiếc thố đựng nông sản mà ông đan hàng ngày hiện còn không làm kịp để giao cho khách, vì đồng bào vẫn thích dùng những chiếc gùi vững chắc bằng tre vừa nhẹ vừa bền hơn là những sản phẩm đồ nhựa hay kim loại trên thị trường.
Để xây dựng những làng văn hóa du lịch, Lâm Đồng cũng đã thực hiện quy hoạch và phục dựng những ngôi làng dân tộc theo đúng kiến trúc truyền thống của bà con ngay tại địa phương. Những ngôi làng này, cũng đảm bảo sự thuận tiện để bà con sinh sống bình thường, và những người đang bắt tay thực hiện thực sự tin tưởng dự án sẽ thành công trong tương lai bởi cái hồn cốt là những tập quán sinh hoạt và truyền thống văn hóa bản địa vẫn đang sống mạnh mẽ khi vừa xây dựng những kiến trúc bên ngoài cho phù hợp là hoàn toàn không khó khăn.
Xây dựng Làng văn hóa du lịch tại Lâm Đồng đang trở thành mô hình mẫu cho các tỉnh khác, vốn vẫn được đánh giá là chưa quan tâm đến chính sách phát triển du lịch văn hóa bản địa. Thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) mặc dù đã quy hoạch làng du lịch, nhưng đến bây giờ là 11 năm, người dân tham gia vẫn chưa được giao đất; còn Gia Lai, Kon Tum thì hầu như du lịch vẫn là con số không, dự án du lịch “treo” liên miên từ năm này qua năm khác.
Trong nhiều hội thảo bàn về vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở khu vực Tây Nguyên, nhiều chuyên gia khẳng định, tính đa dạng của văn hóa nơi đây chính là lợi thế, là tiềm năng quan trọng cho phát triển du lịch văn hóa ở Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết: để phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn và duy trì được vốn văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng đang sinh sống, làm việc ở Tây Nguyên hiểu sâu sắc về giá trị, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và con người Tây Nguyên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; đồng thời bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có tâm huyết gắn bó với văn hóa - xã hội Tây Nguyên để phát huy tốt giá trị văn hóa gắn với phát triển xã hội; tạo điều kiện cho các chủ thể văn hóa được hưởng lợi từ các dự án, chính sách về Tây Nguyên.
Muốn làm tốt điều đó, thì việc cần làm là tạo điều kiện để đồng bào có không gian thể hiện được đặc trưng của từng dân tộc, mới có thể nói đến bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, tăng cường tính hấp dẫn đối với các di sản văn hóa quan trọng.
Trong Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ cũng quy định, vùng sẽ phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc với chỉ tiêu đến năm 2015 thu hút 450 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa; tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 13,8%/năm và khách du lịch nội địa là 7,0%/năm. Như vậy, mô hình làng du lịch văn hóa là hướng đi mở ra nhiều triển vọng trong định hướng phát triển mới của khu vực này, bởi nó kết hợp được cả yếu tố văn hóa và du lịch trong cùng một sản phẩm, đồng thời vẫn khẳng định được vốn “tài nguyên” đặc biệt của Tây Nguyên chính là văn hóa, là truyền thống văn hóa đặc sắc được hòa mình vào tự nhiên của con người vùng đất đỏ./.