Hành trang lữ khách

Phong Điền (Cần Thơ) - Mùa trái chín

Cập nhật: 14/10/2008 15:10:09
Số lần đọc: 4152
Đến chân cầu Cái Răng, xe quẹo phải vào huyện Phong Điền, xứ cây trái sum sê, dọc ngang kênh rạch, ruộng sình kinh ngập. Trong tương lai nơi đây sẽ trở thành khu du lịch sinh thái miệt vườn sông nước. Nhìn xóm ấp, vườn tược hai bên đường, tôi bỗng nhớ những câu dân ca tự thuở nào, nay vẫn lắng sâu lòng người: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/ Anh có thương em thì cho bạc cho tiền/ Đừng cho lúa gạo xóm làng cười chê…

Chợt nghĩ, câu hát huê tình ấy đã thể hiện đây là vùng lúa gạo nổi tiếng năm xưa. Lúa gạo rất rẻ, thương nhau đừng cho những sản vật canh nông đã đầy sân đầy nhà. Từ lâu đời, nông trang điền viên là nghề chủ yếu của người dân Phong Điền. Vịnh về đất và người ở vùng quê kiểng thơ mộng này, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị đã có bài thơ “Hột lúa”, trong đó ông ngợi ca: Ông cha giúp nước đà ghi thủa/ Dòng giống nuôi dân biết mấy đời/ Vì thế liều mình cơn nước lửa/ Người đà có thấu hỡi người ơi.

 

Bài thơ “Hột lúa” cùng một số bài thơ khác của nhân sĩ, thi sĩ, chí sĩ Phan Văn Trị đã được ghi bia trong Khu bia mộ thờ Phan Văn Trị. Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị mất ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất (22-6-1910), thọ 80 tuổi. Ngày trước, phần mộ Phan Văn Trị chỉ là một nấm mộ bằng đất giản dị. Năm 2005, chính quyền cùng nhân dân đã xây dựng đền thờ, trùng tu phần mộ Phan Văn Trị và cải táng mộ vợ ông, bà Đinh Thị Thanh, ở gần đó về nằm cận kề, trong khu đất rộng, phía trước là con lộ trải nhựa rộng khoảng 5m và con rạch Cái Tắc, thuộc ấp Nhơn Lộc I, xã Nhơn Ái. Nơi đây đã trở thành điểm du lịch về nguồn của vùng đất trung dũng và thơ mộng này.

 

Người ta kể rằng: Từ đầu thế kỷ trước, vào những đêm trăng sáng trên vùng sông nước này, các ghe thương hồ ngày đêm qua lại trên sông rạch. Trai gái tuổi cập kê, muốn làm quen nhau, thường tự đặt ra những câu hò, câu hát đối đáp, thách thức, thử tài, trêu chọc và... ngỏ lời yêu. Câu hát về đất Phong Điền được dân gian truyền tụng nhiều lời ca, điệu hò:

 

Phong Điền chợ nổi ven sông

Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều

 

Ngay cả câu hò:“Cái Răng , Ba Láng…” cũng được nhân lên, ứng tác ra các phiên bản trữ tình:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

Anh thương em không vì bạc vì tiền

Mà thương em vì sợi dây chuyền em đeo...

 

Phong Điền còn là hấp lực đối với du khách gần xa. Đó là chợ nổi trên sông ở xã Nhơn Ái. Nét độc đáo, riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức “bẹo hàng”, tức là quảng bá hàng hóa tại chỗ. Trước mỗi mũi ghe, người ta thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo chỉ có ở chợ nổi, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo nhưng lại có sức thu hút khách hàng. Khách phải nhìn cây “bẹo” mà tìm các loại hàng hóa cần mua. Không giống như ở chợ trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải quy tập từng khu theo loại hàng. Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”. Nếu gặp chiếc ghe “bẹo” một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Các ghe bán hàng dạo thì thay hình thức “bẹo” hàng bằng âm thanh của những chiếc kèn. Có người bấm kèn bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có người vừa chèo vừa dùng chân đạp lên kèn (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc). Ghe hàng len lỏi vào bến đậu của các ghe lớn với nhiều loại tiếng kèn khác nhau làm cho các khu chợ thêm rộn rã, xao động. Hiện nay, ở chợ nổi có những hình thức “bẹo hàng” hiện đại hơn như những bảng hiệu, hộp đèn, áp phích, băng rôn của các ghe hàng, các cửa hàng nổi trên dòng sông êm đềm sóng vỗ.

 

Xe đang chạy êm bỗng xóc tung lên, hóa ra chạy vào đoạn đường tránh qua khu vực đang thi công cầu. Trên đoạn đường từ Cái Răng vào huyện Phong Điền còn nham nhở tới 5 chỗ đang làm cầu như thế. Đường xong lâu rồi, nhưng cầu ì ạch mãi chưa xong, không đồng bộ và cũng làm giảm chất lượng tuyến đường. Ở một huyện mới thành lập hơn 4 năm qua, nơi bề bộn các công trình xây dựng, cầu đường trong hiện trạng ấy cũng là “chuyện thường ngày”. Anh bạn đồng nghiệp đi bên tôi nói rằng: Trên bản đồ địa chính huyện Phong Điền, nếu nhìn từ ấp Nhơn Thành của xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền giống như bông hoa mới nở. Cánh hoa là các xã Trường Long, Tân Thới, Giai Xuân; còn nhụy hoa là Thị trấn, xã Nhơn Ái, xã Xuân Khánh. Tôi ghi nhận, cách ví von như thế rất đúng với tiềm năng và đà phát triển mới của huyện Phong Điền. Hôm mới đây, anh Bùi Hai, Bí thư Huyện ủy Phong Điền, nói với tôi:

 

- Kinh tế vườn phát triển, hạ tầng cơ sở mỗi ngày thêm khang trang và thuận lợi. Đó là cái nền khá vững chắc để Phong Điền mở ra khai thác và phát huy thế mạnh mới về du lịch miệt vườn. Mấy năm nay, đời sống của người làm vườn đã khá hơn trước. Bà con làm vườn cũng lo, bởi có năm được mùa nhưng mất giá, có vụ được giá nhưng lại thất mùa. Năm nay, chỉ tính trong 9 tháng có một vụ chính và một vụ nghịch, toàn huyện cũng thu hoạch được gần 57.000 tấn trái cây.

 

Trong quy hoạch phát triển tương lai của thành phố Cần Thơ, toàn huyện Phong Điền sẽ là vùng du lịch sinh thái miệt vườn sông nước phía tây thành phố. Đây được coi như “lá phổi xanh” của thành phố Cần Thơ. Xã Nhơn Ái và khu du lịch Mỹ Khánh được chọn làm thí điểm. Anh Nguyễn Văn Ten (Tám Ten), Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Ái, khoe với tôi:

 

- Được huyện và thành phố chọn “làm điểm” xây dựng vườn du lịch sinh thái thật là mừng, nhưng lo vẫn nhiều hơn, bởi đường trong xóm ấp, bố trí dân cư, phân lô ruộng vườn chưa thấy vào đâu cả. Đây là xứ vườn cây trái sung túc rồi đấy, nhưng gắn kinh tế vườn với du lịch sinh thái thì còn rất nhiều việc phải làm. Đây là sự kết hợp giữa kinh tế vườn với du lịch sinh thái. Mỗi hộ dân không những biết làm vườn giỏi mà còn là điểm dừng chân của du khách. Muốn vậy, mỗi người dân phải như một hướng dẫn viên du lịch.

 

Tuy đang rất bận với Hội nghị Tổng kết hai năm nông dân sản xuất giỏi toàn huyện, nhưng anh Tám Ten vẫn tìm mượn cho tôi một chiếc mũ bảo hiểm, lấy hon-đa đưa tôi đến ấp Nhơn Thọ 1 và ấp Nhơn Bình. Đường qua kênh rạch, vòng vèo qua xóm ấp, với nhiều cầu ván, cầu tre, nhiều đoạn bờ kênh chênh vênh khó đi, nhưng anh lái chiếc hon-đa chạy rất chuẩn. Anh Tám nói:

 

- Làm ở cơ sở, hầu như ngày nào cũng đi xuống các xóm ấp, riết rồi quen.

 

Lại nói đến giải quyết đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng để đón du khách về Phong Điền, anh tâm sự:

- Ngoài vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhà vườn ở đây cũng phải lo sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, có thương hiệu, bán được giá, sau mỗi vụ bán trái cây phải biết tích lũy đồng vốn để sản xuất cho vụ sau. Nhà cửa, đường sá, cầu cống, kênh rạch cũng phải xây dựng cho khang trang, sạch đẹp để đón du khách thập phương.

 

Bên con đê ngăn lũ có một vườn dâu xanh mướt, trĩu quả vàng hươm. Anh Tám Ten dừng xe để tôi được ngắm vườn dâu. Mỗi liếp dâu có hai hàng cây thẳng tắp. Liếp dâu nào cũng phải kèm bên cạnh một con mương, vừa thau chua rửa phèn cho đất vườn, lại rất thuận lợi cho việc tưới tiêu của nhà vườn. Trong vườn có cô gái đang hái dâu. Em mặc áo bà ba màu mận chín, vươn người hái chùm dâu. Dáng em tạo đường cong mềm mại, dịu dàng trong vườn trưa xanh nắng. Vườn cây vươn tán rộng, nắng trưa lọt qua kẽ lá, rọi chiếu xuống liếp vườn như ánh trăng êm ả. Cô gái thấy khách thăm vội đến chào:

 

- Chào các anh! Em mời các anh thăm vườn nhà em.

Tôi hỏi: - Vườn dâu này có lâu chưa?

Cô gái cười tươi, lúm đồng tiền hiện rõ trên đôi má có nước da trắng ngần của con gái xứ miệt vườn:

 

- Dâu này ba em lên liếp trồng đã gần mười năm. Trước đây trồng lúa, trồng màu, nay trồng dâu thấy “được giá” lắm.

 

Liếp vườn dịu nắng, thơm mùi mít hương, cam mật, hoa nhài. Gió thổi nhẹ. Tôi cũng nghe người ta kể về giống dâu đặc sản Hạ Châu của Phong Điền. Loại trái cây độc đáo này đã có thương hiệu, được khách hàng ưa chuộng. Vào mùa thu hoạch trái, thương lái đến tận nhà vườn thu mua, chuyển bằng xe tải hoặc ghe máy ra Cần Thơ, lên Thành phố Hồ Chí Minh rồi ra tận miền Trung, miền Bắc. Cô gái mời chúng tôi ăn dâu chín. Thứ quả này gần giống như trái dâu da ở ngoài Bắc. Vỏ vàng rộm, múi trắng ngần, ăn vừa chua vừa ngọt. Vị chua thanh dịu và vị ngọt đậm đà. Có điều lạ, loại dâu này được trồng nhiều nơi, nhưng chỉ ở Phong Điền mới có hương vị đặc trưng như thế. Theo các nhà vườn kể lại, dâu Hạ Châu tức là miền dưới, đâu như vùng Cái Tàu Hạ của Kiên Giang được ươm trồng đầu tiên, sau đó đưa lên trồng trên đất Phong Điền. Hai nhà vườn Sáu Dương và Ba Minh đã trồng những liếp dâu đầu tiên; từ vài nhà vườn với vài chục gốc nên không đủ cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Đến nay, trên tổng diện tích gần 6.000 ha cây ăn trái của huyện Phong Điền đã có gần 200 ha chuyên canh dâu Hạ Châu. Dâu Hạ Châu tự nhiên từ xưa trái nhỏ, chua nhiều hơn ngọt, năng suất thấp. Từ khi có “liên kết 4 nhà” trên xứ vườn này, các nhà khoa học Viện Cây ăn quả miền Nam và Trường Đại học Cần Thơ đã bỏ nhiều công nghiên cứu, lai tạo rồi chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Cây dâu từ chỗ một hoặc vài năm mới có một vụ, nay cho ra trái mỗi năm hai vụ, năng suất cao. Ngoài ra, dâu Hạ Châu Phong Điền còn cho trái vụ nghịch vào tháng 4, tháng 5 âm lịch. Hiện nay, cùng với cam mật, mít hương, bưởi da xanh, nhãn da bò, đu đủ ruột tím, trái dâu Hạ Châu đã có thương hiệu, là một loại trái ngon đặc sản mới của Phong Điền. Nhờ vườn cây trái, nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi đã có thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng. Câu ca xưa lại được nhà vườn cải biên: Hò ơ… xuồng ai ngang chợ nổi Phong Điền / Dâu Hạ Châu ngọt đến “phát ghiền” em ơi.

 

Chúng tôi vào thăm nhà vườn Nguyễn Văn Đức. Ông Đức là một nhà vườn sản xuất giỏi ở ấp Nhơn Bình. Ông đi bộ đội ở tiểu đoàn Tây Đô từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tham gia nhiều trận đánh ở dọc kênh Xà No và Lộ Vòng Cung. Dáng cao, ánh mắt kiên nghị, nụ cười cởi mở, nước da bánh mật, ông Đức năm nay gần 60 tuổi mà làm vườn, lội kinh chẳng kém gì trai tráng trong ấp.

 

- Tui đi bộ đội về, chỉ có hai công đất ông bà để lại – ông Đức nói – tui trồng lúa, gieo bắp, trồng củ mì, rau màu. Nhưng những thứ đó chẳng ăn nhằm gì. Từ khi có đê bao ngăn lũ, đất vườn được “ngọt hóa” trồng cây trái thu nhập khá lên mỗi năm. Nay tui đã mua thêm để có được 17 công vườn, trồng dâu Hạ Châu, cam mật. Tui có 5 đứa con thì hai đứa đã học xong đại học, ba đứa học cao đẳng và trung cấp. Thế là giờ đây vợ chồng tui sống khỏe.

 

Mùa trái chín thơm hương khắp nẻo đường giữa miệt vườn Nhơn Ái như buổi trưa này thật khó quên. Nghĩ đến cách cư xử hào hiệp, mến khách của cô gái mặc áo bà ba hái dâu Hạ Châu, ông Đức làm vườn giỏi, và cả anh Tám Ten, một nhà vườn có nghề, hiện đang đảm trách Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Ái, tôi nhận ra sức vươn mới và khỏe ở vùng đất thân thương này. Gió thổi mát lộng vườn cây trái, và vùng quê này còn đón nhiều làn gió mới trong thời kinh tế thị trường hiện nay. Tôi xa Phong Điền, xa nơi vườn xanh đất lành, lòng những sẽ mong cùng bao du khách gặp lại, cảm nhận vẻ đẹp trù phú, đậm đà bản sắc miền quê của đất và người một vùng sinh thái miệt vườn sông nước Cửu Long Giang.

Nguồn: QDND

Cùng chuyên mục