Thăm ngôi nhà cổ trăm cột ở Long An
Từ Cần Thơ theo Quốc lộ 1 khoảng 150 cây số, khách sẽ đến thị trấn Cần Đước. Nơi đây khá sầm uất với khu chợ bán các mặt hàng tiêu dùng, ẩm thực và thái độ mua bán trao đổi cởi mở, hiền hòa của người dân địa phương mang đến cho du khách cảm giác thân thiện như đang ở quê nhà. Trước khi tiếp tục cuộc hành trình, khách có thể dừng chân ở đây để vừa thưởng thức những món quà quê, những thức ăn dân dã với giá cả hết sức bình dân. Men theo đường đất đỏ hơn 5 cây số về hướng phà kinh Nước Mặn, khách qua phà. Con sông lớn, nước chảy cuồn cuộn, xoáy mạnh vào từng gốc mắm, từng đám dừa nước. Thỉnh thoảng, sóng ùa vào mạn phà phát lên những âm thanh oàm oàm quen thuộc. Qua phà 15 phút, khách sẽ đến với Nhà trăm cột nổi tiếng tọa lạc trên địa bàn xã Long Hựu Đông.
Ngôi nhà nằm trong một xóm nhỏ, mang dáng vẻ trầm tư, hoài cổ. Trong cái không gian xanh ngắt của dừa nước, dây leo, của ánh nắng chiều chiếu xuống ao tôm sú trước mặt ngôi nhà tạo nên một cảm giác dễ chịu. Không gian yên ắng đến nỗi khách có thể nghe được cả tiếng gió lùa. Khách sẽ được chủ nhân là bà Trần Thị Ngõ đón tiếp niềm nở và tận tình hướng dẫn tham quan. Bước qua khoảng sân là hoa viên với nhiều cây cảnh. Bên phải khuôn viên là tấm bia đá chứng nhận ngôi nhà là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bước vào nhà gặp ngay đại sảnh với những cột gỗ lớn trơn bóng màu thời gian, bàn thờ uy nghiêm nằm ngay gian giữa.
Nhà trăm cột được xây dựng với lối kiến trúc xuyên trính- một kiểu kiến trúc nhà rường truyền thống của các gia đình giàu có ở Huế thời xưa. Chính diện nhà hướng Bắc. Nhà có 2 gian, 3 chái, mái lợp 3 lớp ngói, dưới là lớp ngói thí, trên lợp ngói âm dương, nền bằng đá, lót gạch tàu lục giác. Nhà có 2 cổng ra vào. Bước qua cổng chính có bậc tam cấp, tượng trưng cho sinh, lão, bệnh, tử; chỉ những người có chức danh mới được đi cổng này. Sự đặc sắc của ngôi nhà là 120 cây cột trong đó có 68 cột tròn và 52 cột vuông. Bộ khung của ngôi nhà rất chắc chắn, không gian rộng, do không có hàng cột ở giữa nên rất thích hợp cho việc thờ tự. Tham quan ngôi nhà này, nhiều du khách không khỏi trầm trồ thích thú trước những biểu tượng như tứ Linh (long, lân, quy, phụng), tứ thời (xuân, hạ, thu, đông) được thể hiện sinh động và sắc sảo qua nghệ thuật chạm khắc điêu luyện của những nghệ nhân xưa.
Trong nhà, ngoài những kiến trúc được điêu khắc, chạm trổ trên cột, bao lơn còn có những đồ dùng giá trị khác như tại đại sảnh có hai bàn quay được gọi là bàn đực và bàn cái. Bàn đực bên trái rộng một thước hai năm phân dành cho nam ngồi, bàn cái bên phải một thước hai dành cho nữ. Ngoài ra, trong nhà còn có bộ sa- lông thúng, một trường kỷ, một ghế nghỉ, hai bàn mặt dài. Tất cả đều được làm bằng các loại gỗ quý như cẩm lai, mun, gỗ đỏ... và còn khá nguyên vẹn dẫu đã trải qua gần 100 mùa mưa nắng. Theo người quản lý di tích, nhà được xây dựng trong 5 năm (1898 - 1903). Khi nhà hoàn tất, bạn bè chủ nhân tặng 5 tấm liễn. Mỗi tấm mang một ý nghĩa riêng rất thâm thúy. Đặc biệt là bức liễn treo giữa có chữ “Sơn trang cổ tận”, có nghĩa là núi cao không dứt, ý chí con người mạnh mẽ, quyết tâm.
Năm 1997, ngôi nhà được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, từ đó đến nay, hàng năm nhà trăm cột đón rất nhiều khách tham quan. Đến thăm Nhà trăm cột, khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà và tài hoa của người xưa mà dường như còn gặp lại cái “hồn” của văn hóa mấy trăm năm trước ở phương Nam. Ngôi nhà trăm tuổi này hiện đã trở thành điểm đến tham quan, học tập, tưởng niệm về nghệ thuật điêu khắc cổ độc đáo của đông đảo du khách ở trong và ngoài nước.