Sáo, khèn và những khúc dân ca độc đáo của người Mông
Trong kho tàng dân ca Việt Nam, dân ca Mông có tính đa dạng, độc đáo, đặc sắc, góp phần quan trọng trong đời sống tinh thần, sự đa dạng của dân ca Việt Nam.
Dân ca Mông là những bài hát do đồng bào tự sáng tác và được lưu truyền từ lâu đời. Các bài ca này có phần lời ca, âm nhạc và cả nghệ thuật diễn xướng. Dân ca có nhiều loại và được các nhà sưu tầm văn học dân gian như Doãn Thanh viết thành quyển Dân ca Mông phân loại dân ca Mông thành năm loại khác nhau.
Tuy nhiên có thể phân thành ba loại phổ biến nhất là dân ca gắn liền với phong tục, dân ca gắn liền với lao động sản xuất, dân ca trữ tình sinh hoạt (như dân ca giao duyên, dân ca than thân, dân ca nghi lễ phong tục gia đình). Ðó là loại dân ca gắn liền với cuộc sống, tình yêu nam nữ, tất cả những gì con người đều gửi gắm trong lời ca để nói lên lời tâm sự, tiếng hát ru em bé trên lưng mẹ...
Khèn Mông là một loại nhạc cụ đặc trưng của người Mông, được chế tác bằng ống tre (có loại tre dành riêng để làm khèn, có đường kính, chiều dài các ống khác nhau, thân khèn được làm bằng gỗ, kích thước của thân khác nhau; hai đầu nhọn ở cuối thân phình to để đục lỗ vừa sáo tre với thân, ở sáu ống tre mỗi ống được đục một lỗ, âm hưởng phát ra từ các ống khác nhau, trên đó được gắn sáu lưỡi đồng khi từng ngón tay chuyển động theo nhịp của bài khèn). Khèn vừa dùng để thổi và múa.
Loại nhạc này chủ yếu là nam giới sử dụng trong đám tang, thanh niên dùng trong những ngày hội hè (loại nhạc cụ này dùng cho một người thổi hoặc nhiều người thổi trong tang ma, đặc biệt là dùng trong múa hội hè thì mới có nhiều người thổi, chứ trong tang ma thường chỉ là một người). Không chỉ để thổi, khèn dùng để múa. Ðây là một điệu múa đặc sắc nhất của người Mông.
Ðàn môi của người Mông được chế tác bằng một miếng đồng. Người ta cắt ra thành lưỡi có hai đầu nhọn, còn ở giữa hơi phình to. Ngoài ra còn làm một vỏ đựng bằng tre, nứa. Khi chơi chủ yếu dùng hơi, kết hợp với lưỡi, tay gảy sao cho theo nhịp của bài hát, loại nhạc cụ này phần lớn dành cho các thiếu nữ Mông dùng để tỏ tình, tâm sự với bạn trai khi đi chơi, đi chợ, chơi hội...
Ðây là loại nhạc cụ được làm bằng một đoạn trúc hoặc tre, khoét hai đoạn đầu còn phần giữa để nguyên. Dùng các lá đồng cắt theo hình tròn, các lá đồng này được đục lỗ ở giữa để xâu vào trong đoạn trúc, tre mỗi một xâu là ba lá đồng hình tròn, mỗi đầu là xâu bốn chỗ (12 lá đồng).
Hai đầu được buộc một túm chỉ đỏ để trang trí cho cây gậy đẹp hơn. Khi múa người chơi cầm ở giữa gậy, vừa múa vừa nhảy tiến lùi, các vị trí cây tiền thường hay chạm vào chủ yếu là tay, chân, vai, bàn chân khi múa dùng gậy cọ vào lòng bàn tay cho các lá đồng tạo ra tiếng kêu. Thường điệu múa có từ sáu đến tám nam, nữ tham gia; nam múa khèn, nữ múa gậy tiền...
Ðây là điệu múa khá độc đáo của người Mông ở Bắc Hà hiện nay. Xã Bản Phố có một đội văn nghệ chuyên múa gậy sênh tiền để phục vụ trong những ngày hội hè.
Những giá trị văn hóa - văn nghệ dân tộc Mông là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Bắc Hà. Hiện nay việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông được các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà hết sức quan tâm, gắn với phát triển du lịch, tạo thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông.