Non nước Việt Nam

Nét đẹp văn hoá người Dao ở Bắc Giang

Cập nhật: 07/11/2008 14:11:21
Số lần đọc: 3096
Hiện nay, số lượng người Dao ở Bắc Giang tuy không đông lắm (khoảng hơn 7 nghìn người) nhưng những nét đặc trưng văn hoá về trang phục, về tín ngưỡng, phong tục tập quán vẫn luôn được đồng bào gìn giữ, bảo tồn với mong muốn nét đẹp đó sẽ còn mãi với thời gian.

* Duyên dáng trang phục Dao:

 

Cách trung tâm xã Dương Hưu, huyện Sơn Động hơn 5 km đường rừng, bản Khe Khuôi có 34 hộ đồng bào dân tộc Dao Thanh Y quây quần dưới tán rừng xanh. Trong sự u tịch của núi rừng, những tiếng lách cách của tiếng thoi dệt vải nghe rất vui tai của các bà, các chị như bản hoà ca tạo nét chấm phá cho sự tĩnh lặng đó. Theo các bà, các chị trong bản, từ xa xưa, cắt may, thêu in hoa văn đã là công việc riêng của phụ nữ Dao; các em gái từ 9 đến 10 tuổi đã tập khâu vá, thêu thùa. Trước đây, người Dao còn trồng bông để lấy sợi, nhưng nay ở chợ có bán các loại sợi đủ màu sắc nên bà con không trồng bông nữa mà chủ yếu mua vải mới về nhuộm chàm, rồi thêu hoa văn trang trí lên đó; quần áo, khăn, mũ, yếm, xà cạp của ai thì người đó thêu. Cả bản Khe Khuôi chỉ còn từ một đến hai khung cửu của các bà, các chị vẫn còn lưu luyến với những kỷ niệm của một thời canh cửu.

 

Phụ nữ Dao có cách thêu rất độc đáo, không thêu theo mẫu vẽ phác thảo trước mà thêu theo trí nhớ và sự tưởng tượng của mình. Riêng phụ nữ nhóm Dao Lô Gang trước đây ngoài kỹ thuật thêu còn có truyền thống hoa văn bằng sáp ong lên vải. Cách in hoa của chị em là nhúng các khung hình tam giác, hình gấp khúc, hình tròn hoặc đường thẳng được làm bằng tre nứa vào sáp ong đã nấu chảy rồi in lên vải trắng rồi sau đó đem vải đã in đi nhuộm chàm vào nước nóng cho sáp chảy ra. Các hoa văn in sáp ong không bị nước chàm tác động nên trở thành hình có màu xanh lơ rất đẹp. Tuy nhiên, đến nay đồng bào không còn áp dụng kỹ thuật này nữa; việc thêu, in hoa trên khăn mũ, quần áo... ngoài ý nghĩa trang trí , thể hiện sự khéo léo của chủ nhân  còn có ý nghĩa lớn hơn thể hiện ý niệm, khát vọng sự vươn tới của người Dao. Những hình người và cây cối được in trên trang phục tượng trưng cho sự trường tồn, hình chữ thập tượng trưng cho sinh hoạt phong phú của dân tộc. Hoa văn hình sao tám cánh thẻ hiện nét riêng, ký hiệu riêng của dân tộc Dao; hoa văn hình cây có chim đậu trên áo phụ nữ ý nói người phụ nữ có duyên được nam giới để ý đến, hoa văn hình con chim mang bông hoa thể hiện nam nữ tìm hiểu nhau đồng ý xây dựng hạnh phúc lứa đôi....Trang phục nam giới người Dao khá đơn giản gồm áo, quần với chất liệu vải thô nhuộm chàm hoặc nhuộm đen ít thêu hoa văn trang trí (trừ trang phục của người Dao Lô Gang), còn trang phục phụ nữ Dao phần lớn có nét chung là chỉ mặc áo dài không có cổ hoặc cổ liền nẹp ngực và xẻ trước ngực đến gấu áo. Hoa văn trang trí trên trang phục được thêu bằng chỉ màu ngũ sắc, phong phú về loại hình và mô típ là chim muông, cây thông, chữ vạn, cua đồng, dấu chân hổ.....

 

Người Dao, nhất là phụ nữ rất thích đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, vòng tay, nhẫn, xà tích... Lễ phục trong đám cưới, ngày hội, ngày Tết và trong sinh hoạt tín ngưỡng ở đây phải mặc lễ phục cổ truyền. Riêng thầy cúng khi hành lễ phải có trang phục riêng vì họ quan niệm thế giới siêu linh có nhiều loại ma và thầy giao tiếp với ma nào thì phải thay mũ áo cho thích hợp với ma đó; bộ lễ phục này cần chú ý nhất là mũ và áo gọi là mũ áo ma. Trang phục thầy cúng của các nhóm Dao nói chung chỉ khác nhau ở những màu sắc và hoa văn trang trí, còn lại cơ bản giống nhau. Mũ thầy cúng của người Dao Lô Gang , Thanh Phán là mũ cánh sen, làm bằng giấy bồi và vải có thể xếp lại, xoè ra được; mũ thầy cúng nhóm Dao Thanh Y lại giống mũ của các thầy thư lại và còn có loại mũ như mũ của lính dõng.

 

* Để nét đẹp văn hoá người Dao còn mãi với thời gian:

 

Chị Nguyễn Thị Nga, cán bộ phòng Bảo tồn, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết: dân tộc Dao là một trong 7 thành phần dân tộc chủ yếu của tỉnh Bắc Giang, sinh sống ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế với 3 nhóm khác nhau gồm: Dao Lô Gang, Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y. Trước đây tập quán canh tác của đồng bào Dao là du canh, du cư, mỗi thôn, bản chỉ có vài chục hộ nhưng đến nay họ đã ở theo lối định canh, định cư, xây dựng thôn bản cố định (theo tiếng phương ngữ của người Dao gọi là Lang hay Giằng) được lập trên sườn núi, dưới thung lũng và những nơi gần nguồn nước. Kiểu sống du canh du cư hiện chỉ còn tồn tại ở nhóm người Dao Lô Gang bản Đồng Cao, xã Thạch Sơn (huyện Sơn Động). Mặc dù, hầu hết đồng bào các  nhóm dân tộc Dao cư trú ở vùng cao, vùng sâu hẻo lánh nhưng họ vẫn chịu khó xuống chợ. Họ xuống chợ không chỉ để trao đổi mua bán mà còn mặc đẹp để đi chơi chợ và giao lưu tình cảm, gặp gỡ bạn bè hay hẹn hò người yêu.

 

Thông thường, người con trai Dao trước khi lấy vợ  từ 10 tuổi trở lên phải qua lễ cấp sắc; nếu trường hợp khi sống chưa được cấp sắc thì khi chết được con, cháu cấp sắc cho. Người Dao cấp sắc theo thứ bậc trong gia đình, dòng tộc; cấp sắc cho bố rồi mới đến cấp sắc cho con. Đồng bào cho rằng, chỉ những người được cấp sắc thì mới được coi là những người trưởng thành. Qua lễ cấp sắc, mỗi thành thành viên trong gia tộc có dịp nhớ về dòng họ tổ tiên và giúp đỡ nhau thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng. Mỗi năm, người Dao ở Bắc Giang có 4 lễ hội gồm: hội mùa xuân (tổ chức vào tháng Giêng âm lịch), hội cầu mùa (cũng tổ chức cũng trong tháng Giêng từ ngày 10 đến 15), lễ cúng bản của người Dao Thanh Y và lễ cầu  tài của người Dao ở bản Đồng Đỉnh , xã Bình Sơn (huyện Lục Nam). Riêng lễ cúng bản được tổ chức tại nhà Trưởng bản và vị trí trưởng bản sẽ thay đổi khi người Trưởng bản qua đời. Dân bản sẽ tìm một Trưởng bản mới, khi chưa chọn được Trưởng bản thì không tiến hành lễ cúng bản.

 

Để bảo tồn nét đẹp văn hoá người Dao, Ngành văn hoá- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Bắc Giang đã tiến hành điều tra, nghiên cứu về văn hoá dân tộc Dao ở ở 23 thôn, bản trên địa bản có đồng bào Dao cư trú; phát 520 phiếu điều tra và lưu giữ 230 ảnh về những sinh hoạt truyền thống của dân tộc Dao. Ngoài việc bảo tồn các lễ hội truyền thống, giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh, trong đó có người Dao được giao lưu, học hỏi những nét đẹp văn hoá, ngành VHTT&DL tỉnh yêu cầu phòng văn hoá các huyện có người Dao sinh sống tuyên truyền, động viên người Dao ở các lứa tuổi mặc trang phục truyền thống hằng ngày; đàn ông, thanh niên cố gắng mỗi người có từ 1-2 bộ trang phục dân tộc mặc trong ngày cưới, lễ hội. Hiện nay, ngành VHTT&DL Bắc Giang cũng đang thực hiện xuất bản tập sách về di sản văn hoá Bắc Giang, trong đó có sưu tầm nhiều bài thơ, tục ngữ, câu đối, các làn điệu hát của nguời Dao, các sự tích, huyền thoại về nguồn gốc, lịch sử của dân tộc Dao. Đồng thời, bảo tàng tập trung sưu tầm những hiện vật có giá trị như những loại hình thư tịch ở các kho gia thư của các già bản người Dao do cha ông truyền lại.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT