Dân ca Xoan, Ghẹo - Một loại hình nghệ thuật độc đáo ở vùng đất Tổ
Vợ Vua nghe lời, cho mời Quế Hoa đến. Giọng hát trong vắt như chim hót, suối ngân, tay múa chân đi dẻo như tơ, mềm như bún, khiến cho vợ Vua quên cả đau sinh con dễ dàng, Vua Hùng mừng rỡ, hết lời khen ngợi Quế Hoa và truyền cho các công chúa phải học lấy điệu múa ấy.
Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) là một ông trùm. Ông trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Mỗi phường Xoan thường có từ 15 đến 18 người hoặc đông hơn. Trừ trùm phường, các thành viên khác thường là thanh niên tuổi 16-18. Nam gọi là kép, nữ gọi là đào, số đào thường đông hơn số kép, chỉ độ 15, 16 tuổi đóng vai giáo trống, giáo pháo. Phường Xoan luyện tập vào trước mùa hội hè. Mùa hội có khi họ hát đến đôi ba tháng mới về.
Trong những ngày đi hát ở cửa đình, các cô đào vấn khăn, quần láng, áo the, thắt lưng đen kèm theo bao xanh hay hồng. Các kép đầu quấn khăn lợt hay khăn xếp, áo the thâm, quần trắng, cổ quấn khăn nhiễu điều.
Hát Xoan thường bắt đầu từ chập tối, sau nghi lễ tế thần được tiến hành ban ngày. Trong đình có các bô lão, quan viên và dân làng ngồi xem. Phường Xoan múa hát ở khoang giữa gọi là đình trung.
Mở đầu cho cuộc hát, trùm phường cùng người chủ tế của hội làng năm đó, đứng ra trước hát chúc như bài khấn nguyện có tính chất nghi thức. Hát chúc xong, một kép chừng 15, 16 đeo trước ngực một chiếc trống nhỏ đứng ra giữa sân đình làm trò giáo trống, giáo pháo. Hai lối hát này có vần điệu theo thể thơ bốn chữ. Người kép trẻ vừa đánh trống giữ nhịp vừa làm động tác vừa hát có phụ họa của tập thể phía sau. Giáo trống, giáo pháo có nội dung như một lời khấn nguyện cầu chúc cho mùa màng và sự thịnh vượng của thôn xã.
Sau giáo trống, giáo pháo, chú kép trẻ lui vào nhường chỗ cho bốn cô đào tiến ra hát thơ nhang. Bốn cô gái đứng xếp hàng trước hương án, hai tay nâng chiếc quạt xòe tán khuỳnh ra trước mặt vừa hát vừa làm động tác giống như dâng hương. Bài ca khấn nguyện này có tính chất ngâm ngợi, trang nghiêm.
Trình diễn xong thơ nhang, phường Xoan hát tiếp đóng đám. Ðóng đám theo ngữ nghĩa là kết thúc hội đám nhưng thực ra đóng đám có nội dung văn học mang mầu sắc giao duyên trữ tình chỉ kết thúc giai đoạn một trong quá trình diễn xướng.
Giai đoạn hai trong quá trình diễn xướng của hát Xoan là sự trình diễn các quả cách. Có 14 quả cách: kiểu giang cách, nhâm ngâm cách, tràng mai cách, hạ thời cách, thu thời cách, tứ dân cách...
Ngôn ngữ trong các quả cách đạt tới trình độ điêu luyện, lời trau chuốt mượt mà. Hát quả cách được coi như phần hát thờ. Ngày xưa có những cửa đình dành hẳn một đêm để các phường thay nhau hát cách. Phường nào hát đúng 14 quả cách thì được giải.
Phần hứng thú và sinh động nhất trong cuộc hát Xoan là trình diễn xướng gồm các tiết mục: Chơi bợm gái (còn gọi là giao tình), hát bỏ bộ, hát xin hoa, đố chữ, giải hoa hát đúm.
Trong Xoan, Ghẹo, hát đúm là một hoạt cảnh đối đáp giữa nam và nữ. Ðây cũng là lối chơi hấp dẫn nhất, say mê nhất cho nên người ta còn gọi phường Xoan là phường Ðúm.
Giã cả được xem là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng của hát Xoan. Ðây cũng là cảnh múa hát sôi nổi, nghịch ngợm đầy ắp tiếng cười. Có nơi như ở làng Cao Mại, "cả" là các cô đào phường Xoan. Các trai làng quây thành vòng tròn, miệng hát, tay múa đong đưa, dập dềnh tựa hình sóng nước. Hát xong các câu hát, các cô đào đóng vai Thành hoàng để Thành hoàng ban phúc cho làng. Sau khi ông chủ tế vào tế, "cả" mới được nhấc khỏi bệ thờ để trở lại làm người.
Kết thúc quá trình diễn xướng, trùm phường và ông chủ tế bước lên trước hương án để hát giã, một bài đọc mang nội dung khấn nguyện.
Xoan, Ghẹo là khúc hát trữ tình, tiếng nói tâm hồn, là sự thể hiện con người và thời đại, có cội nguồn từ thời Vua Hùng. Nó mãi mãi có vị trí xứng đáng trong nền dân ca dân tộc.