Tin tức - Sự kiện

Tôn vinh và quảng bá nhạc cụ dân tộc

Cập nhật: 09/12/2008 08:12:10
Số lần đọc: 1524
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ III năm 2008, từ ngày 25/11 đến 02/12, tại Hà Nội.

Cuộc thi nhằm nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc nước nhà. Ðây là dịp tôn vinh và quảng bá những nhạc cụ quý giá, độc đáo của cha ông để lại. NSND Trần Quý cho biết: Cuộc thi (Concours) khác với liên hoan, hội diễn, những quy định về thể lệ, quy chế, bài bản dự thi... rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Tính chính xác của kỹ thuật diễn tấu, cách xử lý tác phẩm để thể hiện nội dung tình cảm, hình tượng âm nhạc truyền cảm tới người nghe được đặt lên vị trí hàng đầu. Ðối với âm nhạc dân tộc cổ truyền thì vấn đề phong cách, đặc điểm của các dòng nhạc của các vùng, miền, các dân tộc lại càng quan trọng. Sự chuẩn bị cho cuộc thi này rất công phu, nghiêm túc.

 

So với cuộc thi lần thứ hai, bộ môn thi được mở rộng, ngoài thể loại độc tấu đàn bầu, sáo trúc, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, lần thi này còn có đàn tỳ bà và thể loại hòa tấu. Ðã có 179 thí sinh dự thi. Bên cạnh các thí sinh là nghệ sĩ, diễn viên thuộc các đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo công lập còn có các thí sinh không chuyên thuộc các trường THCS, đặc biệt Trường Nguyễn Ðình Chiểu cử 10 em khiếm thị dự thi. Thí sinh dự thi được chia làm hai bảng: Bảng A từ 9 đến 16 tuổi, Bảng B từ 16 đến 36 tuổi. Các thí sinh đến từ 19 đơn vị trong cả nước, trong đó có những đơn vị ở xa như Ðoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Có sáu thí sinh thuộc các dân tộc Dao, Mông, Tày, Mường.

 

Trong suốt những ngày diễn ra cuộc thi có nhiều người đến theo dõi các thí sinh biểu diễn trong đó có sinh viên, thanh niên và cả khách nước ngoài. Tất cả đều chăm chú lắng nghe cho đến cuối cuộc trình diễn. Thật ngạc nhiên và cảm phục khi những em nhỏ chín, mười tuổi trình diễn các nhạc cụ dân tộc rất điêu luyện qua các bài nhạc cổ chuẩn xác về cao độ, trường độ âm thanh, cách nhấn, vuốt, luyến láy. Mọi người rất xúc động khi các em khiếm thị biểu diễn bài bản nhuần nhuyễn thể hiện sự cố gắng luyện tập vượt bậc. Nhìn chung so với cuộc thi lần trước các thí sinh trong cuộc thi lần này có nhiều tiến bộ, điêu luyện hơn, thể hiện tình cảm tốt hơn. Ðiều đó cho thấy sự dày công luyện tập, sự chuẩn bị chu đáo. Mặc dù trong buổi thi, có thể phải nghe đi, nghe lại nhiều bản nhạc cổ trên một cây đàn, song không có cảm giác nhàm chán vì mỗi thí sinh có cách thể hiện riêng. Ban tổ chức đã có lý khi đưa thêm thể loại hòa tấu vào cuộc thi này vì nó phô diễn hết khả năng của các nhạc cụ, tạo sự phát triển đồng bộ đồng thời thúc đẩy sáng tác, đào tạo và biểu diễn. Các màn hòa tấu tạo ra những âm hưởng hoành tráng đầy sức lôi cuốn.

 

Trong lúc âm nhạc hiện đại có xu thế lấn át âm nhạc truyền thống, cuộc thi này có ý nghĩa lớn vừa cổ vũ động viên những người say mê nhạc cụ dân tộc vừa tạo đất  biểu diễn giới thiệu rộng rãi tinh hoa âm nhạc của dân tộc với đông đảo công chúng.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT