Tin tức - Sự kiện

Khám phá di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng qua du lịch sinh thái

Cập nhật: 09/12/2008 08:12:21
Số lần đọc: 1499
Không chỉ hấp dẫn bởi những hang động tuyệt đẹp, Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) giờ đây còn hứa hẹn mang đến cho du khách sự khám phá mới mẻ qua hình thức du lịch sinh thái, khởi nguồn từ Khu du lịch suối Nước Moọc.

Sự háo hức khám phá có lẽ bắt đầu ngay từ cái tên “Suối Nước Moọc” (là “mọc” theo tiếng địa phương). Ở đầu nguồn của dòng suối, những cột nước thấp nối tiếp nhau mọc lên ùn ùn từ lòng đất và chảy thành dòng, hòa vào nước sông Chày xanh ngắt. Điều kỳ diệu này của thiên nhiên đã được dùng để gọi tên địa danh, suối Nước Moọc.
 
Từ trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, qua khoảng 10km đường Hồ Chí Minh nhánh tây, ta đã có thể được mắc võng nằm đu đưa dưới tán cây rừng, nghe suối chảy róc rách và còn có thể tắm mình trong dòng nước trong vắt giữa những tảng đá lô nhô của suối Nước Moọc.
 
Du khách còn được khám phá sự đa dạng và quý hiếm của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng trên một con đường mòn qua khu rừng đá vôi rậm rạp, chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của nhiều loài chim, bướm, chuồn chuồn và một quần thể thực vật gồm nhiều loài phong lan nổi tiếng.
 
Là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới và 2 trong số 60 vùng chim quan trọng của Việt Nam, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có kiểu rừng nhiệt đới xanh chủ yếu là cây lá kim - loại rừng được coi là độc nhất trên thế giới hiện nay.
 
Mức độ đa dạng của hệ sinh thái ở Phong Nha-Kẻ Bàng còn được ghi nhận bằng sự hiện diện của 2.651 loài thực vật, 735 loài động vật có xương sống, 369 loài côn trùng; trong đó có tới 116 loài thực vật và 129 loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tại đây cũng có 28 loài động, thực vật có giá trị kinh tế và khoa học cao đang bị đe doạ tuyệt chủng ở mức toàn cầu.
 
Sự phong phú về sinh cảnh của núi đá vôi, hang động, núi đất cũng khiến nơi này trở thành địa điểm sinh sống lý tưởng của 9 trong tổng số 21 loài linh trưởng của Việt Nam và nơi có nhiều loại dơi sinh sống nhất nước với 46 loài.
 
Tuy nhiên, không phải ai đến với Phong Nha-Kẻ Bàng cũng có thể hiểu và khám phá hết hệ sinh thái đa dạng, quý hiếm đó. Hơn nữa, nguy cơ bị xâm hại bởi mưu kế sinh nhai của cư dân vùng đệm ngày càng đe doạ sự an toàn, bền vững của Di sản thiên nhiên nhiên thế giới này.
 
Trong bối cảnh đó, tuyến du lịch sinh thái đầu tiên mang tên Khu du lịch sinh thái suối Nước Moọc ra đời cũng nhằm tăng thêm kênh khám phá Phong Nha-Kẻ Bàng cho du khách và tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng đệm, giảm bớt sức ép đối với hệ sinh thái nơi đây.
 
Xây dựng tuyến du lịch này là một phần hoạt động của dự án “Bảo tồn và Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ), Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức (DED) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ.
 
Đặc biệt, dự án có sự tham gia tích cực của chính những người dân sống trong vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng - những chủ thể từng chỉ sống dựa vào việc khai thác rừng trái phép. Họ được vay vốn ưu đãi, được đào tạo kỹ năng làm kinh tế, tổ chức dịch vụ du lịch. Thu nhập từ hình thức này góp phần quan trọng thay đổi cuộc sống của họ, từ nhận thức đến hành vi.
 
Gia đình chị Hoàng Thị Thắm ở thôn Chày Lập (xã Sơn Trạch, Huyện Bố Trạch) là một ví dụ. Sau khi được tham gia các khóa đào tạo của dự án, với 40 triệu đồng vay ưu đãi, chị đã đóng một chiếc tàu đưa khách du lịch vào thăm động Phong Nha để kiếm sống cho mình và gia đình.
 
Dự án Bảo tồn và Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng được triển khai từ đầu năm 2008 trên địa bàn 146 thôn, bản với khoảng 60.000 người hưởng lợi. Với tổng kinh phí gần 17,6 triệu euro, dự án sẽ kéo dài đến năm 2015.
 
Tại buổi gặp gỡ với báo giới trong chuyến đi thực tế tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng mới đây, bà Birgit Wendling - Tham tán phụ trách hợp tác phát triển Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết, từ năm 1999 đến nay, chính phủ nước này đã dành trên 1 tỷ euro hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe. Riêng năm 2008, khoản hỗ trợ này là 117 triệu euro.

Nguồn: Vietnamplus

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT