Hoà Bình: Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch Tân Lạc
Mảnh đất giàu tiềm năng du lịch
Những ngày đầu xuân mới, khi không khí vui Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc vẫn còn lắng đọng, mọi người ở khắp nơi lại nô nức đến với Mường Bi dự Lễ hội Khai Hạ, một lễ hội truyền thống, đậm bản sắc dân tộc được tổ chức vào ngày 8-1 âm lịch hàng năm. Lễ hội Khai Hạ là lễ hội xuống đồng, mở cửa rừng. Sau Lễ hội, người dân mới ra đồng, vào rừng để lao động sản xuất. Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần lễ và hội, được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian như hát thường rang, đánh mảng, kéo co, ném còn, bắn nỏ, ẩm thực của người Mường… Lễ hội là sự khởi đầu cho một năm mới, là dịp để nhân dân bày tỏ lòng kính trọng vị thần đã lập ra Mường và cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Đây cũng là dịp để đồng bào Mường Bi giao lưu, gặp gỡ, gạt bỏ những lo toan vất vả trong cuộc sống thường nhật, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội còn thu hút du khách muôn phương về vui hội và tìm hiểu nét sinh hoạt văn hoá đậm bản sắc dân tộc thể hiện qua Lễ hội.
Được tổ chức quy mô và trang trọng, Lễ hội Khai Hạ là một điểm nhấn trong thúc đẩy du lịch phát triển của huyện Tân Lạc. Được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch, Tân Lạc mang trong mình nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Đó là tài nguyên du lịch tự nhiên với hệ thống thác, động đẹp, còn lưu giữ vẻ hoang sơ, hùng vĩ. Đến với động Hoa Tiên - xã Ngòi Hoa - được coi là một sản phẩm hiếm có của thiên nhiên, du khách được thưởng ngoạn không gian thoáng rộng, ngắm những nhũ đá hình thù phong phú với vô vàn khối nhũ lớn nhỏ và các vũng nước trong tạo nên cảnh sắc hang động kỳ thú, đẹp mắt, màu sắc đa dạng, thu hút tính tò mò khám phá, nghiên cứu và chiêm ngưỡng những nét đẹp thiên nhiên của mọi du khách. Nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 18 km, động Tớn - xã
Tân Lạc còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hết sức đặc sắc với nhiều di tích văn hoá lịch sử, mô hình làng bản và kiến trúc nhà Mường. Huyện có các tuyến du lịch xanh: Nam Sơn - Bắc Sơn - Ngổ Luông - Gia Mô - Lỗ Sơn - Thanh Hối. Các điểm du lịch văn hoá, lịch sử và khảo cổ như: hang Bụt, hang Muối (thị trấn Mường Khến), hang Mường Khàng (xã Mãn Đức), hang Ma (xã Địch Giáo)… Các lễ hội, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt của đồng bào Mường, từ trang phục dân tộc, bản làng Mường, tín ngưỡng, ẩm thực của người Mường… Giàu tiềm tiềm năng du lịch là yếu tố quan trọng để Tân Lạc thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút du khách đến tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá và nghỉ dưỡng.
Từ quy hoạch đến thực tiễn
Theo quy hoạch phát triển du lịch,, Tân Lạc nằm trong vùng du lịch hồ sông Đà, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, du lịch của tỉnh. Trong định hướng của huyện, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn để chuyển đổi cơ cấu KT-XH. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thực tiễn phát triển du lịch của huyện vẫn còn nhiều bất cập, chưa khai thác hết tiềm năng. Hiện, mới chỉ có định hướng về phát triển du lịch, chưa có đầu tư, chưa hình thành các cơ sở dịch vụ văn hóa. Việc khai thác các điểm du lịch chủ yếu dựa vào điều kiện sẵn có, chưa có đầu tư tôn tạo, tu bổ. Giao thông đến các điểm có tiềm năng du lịch còn rất khó khăn. Huyện cũng chưa có các hoạt động quảng bá về tiềm năng du lịch để thu hút đầu tư vào du lịch cũng như thu hút khách du lịch đến và dừng chân dài ngày ở địa phương. Du khách đến Tân Lạc chủ yếu vào mùa lễ hội Mường Bi, theo các tour du lịch nhỏ lẻ, không có tổ chức và chỉ coi nơi đây là điểm dừng chân trong ngày mà không nghỉ lại. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, mạng lưới kinh doanh du lịch thưa thớt. Việc làm du lịch ở Tân Lạc vẫn chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hấp dẫn khách du lịch, lao động chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ… Để du lịch phát triển đòi hỏi nhiều yêu cầu về cơ sở vật chất và các dịch vụ phụ trợ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách như hệ thống giao thông đồng bộ, khách sạn, khu vui chơi, cơ sở lưu trú cao cấp… Đây là những điểm mà Tân Lạc chưa có, hoặc còn yếu và thiếu.
Tiềm năng gần, huyện đang có định hướng đầu tư khai thác tuyến du lịch lòng hồ sông Đà và hang động ở Ngòi Hoa, Nam Sơn; bảo tồn, lưu giữ và khai thác những nét sinh hoạt hàng ngày của người dân vùng cao Quyết Chiến, Ngổ Luông, Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn, làng Mường xóm Ải - xã Phong Phú… Với vị trí, tiềm năng sẵn có và nếu được quan tâm đầu tư thích đáng, du lịch Tân Lạc hứa hẹn là điểm đến của nhiều du khách, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói mang lại nguồn thu đáng kể từ doanh thu du lịch của huyện.