Bắc Ninh: Vùng quê của lễ hội
Mở đầu là hội chùa Phật Tích, hội rước pháo làng Đồng Kỵ, rồi đến hội Lim, hội làng Diềm… Bắc Ninh - “xứ sở hội hè” có đến hơn 500 lễ hội truyền thống diễn ra trong năm. Song có lẽ điểm hấp dẫn nhất với khách thập phương là lễ hội ở các làng Quan họ bởi những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hoá Quan họ. Các liền anh, liền chị vẫn hát: “Mồng bốn đi hội kéo co/ Mồng năm hội ó chẳng cho nhau về/ Mồng sáu đi hội Bồ Đề/ Mồng bẩy trở về đi hội Đống Cao/ Hội vui lắm lắm/ Chửa kịp đi tắm/ Chưa kịp gội đầu/ Trầu chửa kịp têm/ Cau chưa kịp bổ/ Miếng lành, miếng sổ/ Miếng chửa têm vôi/ Người có thương tôi/ Mong người cầm lấy…”.
Từ mồng 4 Tết, người ta đã rủ nhau đi hội Đồng Kỵ – lễ hội truyền thống của làng nghề hiện đang được coi là giàu có nhất vùng Kinh Bắc để được xem rước pháo vào đình. Nghi lễ rước pháo được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo người xem. Nếu như hội làng Đồng Kỵ thu hút một lượng lớn thanh niên thì hội chùa Phật Tích lại là lựa chọn của các bà, các chị. Đi hội chùa Phật Tích khách thập phương không chỉ được dự hội Khán hoa mẫu đơn mà còn có cơ hội du ngoạn những di tích đẹp. Những ai yêu thích tìm hiểu sâu về di tích còn có thể bắt gặp sự dung hoà giữa đạo Phật, đạo Nho và đạo Lão, từng làm nên một tư tưởng đồng nguyên tạo sức mạnh cho tư tưởng Việt Nam của thời Lý – Trần vàng son trong lịch sử. Vẫn còn đó tượng Phật A di đà bằng đá xanh hàng ngàn năm tuổi trong vị thế là một báu vật quốc gia. Tượng chim gandhura đầu người mình chim cho thấy dấu ấn của văn hoá Chăm – pa. Hàng linh thú bằng đá gốm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa và những chạm khắc trên các chân tảng, những di vật còn lại của ngôi chùa cổ xưa cho thấy dáng dấp thâm nghiêm của văn hoá cung đình.
Hội làng Đồng Kỵ và hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích vừa kết thúc, ngày mồng 7, mồng 8 tháng Giêng âm lịch người ta lại hò nhau đi xem hội Đọ Xá. Nằm giữa lòng thành phố Bắc Ninh hôm nay vẫn duy trì được không ít lễ hội, với những giá trị truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội xuân khu Đọ Xá đã duy trì nét sinh hoạt đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước với hội thi nấu cơm niêu đất. Hội Lim truyền thống tổ chức vào ngày 12, 13, 14 tháng Giêng hàng năm không chỉ là niềm tự hào của nhân dân vùng Lim mà đã trở thành sinh hoạt đậm nét Bắc Ninh – Kinh Bắc. Nhắc đến hội Lim, người ta nhớ ngay đến một Bắc Ninh đằm mình trong những làn điệu Quan họ mượt mà, tình nghĩa. Không gian xưa với các trò chơi dân gian được phục dựng ngày càng nhiều: kéo co, đập niêu, bịt mắt bắt dê, chọi gà, đấu vật, tổ tôm điếm, cờ người, đu tiên… khách thập phương tìm về hội Lim để được nghe hát Quan họ và tìm hiểu về sinh hoạt văn hoá Quan họ ở một lễ hội mang quy mô vùng miền.
Những ai yêu mến vùng Kinh Bắc bởi sự duyên dáng trong mỗi câu ca Quan họ hay nét độc đáo, tình nghĩa thuỷ chung của người Quan họ thường trảy hội Diềm vào giữa tháng Hai. Từ ao làng đến đình Diềm hay trong nhà các nghệ nhân, đâu đâu cũng vang lên những làn điệu say đắm lòng người. Làng Diềm còn có đền thờ Vua Bà - Thủy tổ quan họ. Thờ Thành hoàng, thờ Tổ nghề thì rất phổ biến, song thờ một biểu trưng văn hóa (một vị Tổ nghề không thuộc lĩnh vực sản xuất vật chất) thì sự độc đáo ấy là nét riêng có của vùng quê Kinh Bắc.
Bắc Ninh – xứ sở của hội hè vẫn rộn rã tiếng trống hội trong mỗi mùa xuân. Nếu thật sự yêu mến vùng quê văn hiến hẳn bạn còn tìm được cho mình những điều thú vị riêng qua từng lễ hội.