Non nước Việt Nam

Tình cây và đất

Cập nhật: 09/01/2009 10:43:10
Số lần đọc: 2849
Cây đa bến nước sân đình Thiên nhiên riêng vẻ trữ tình làng quê... Lũy tre xanh, cây đa, bến nước, cùng những ao hồ cho nơi trẻ nhỏ tắm mát vốn có khắp thôn cùng ngõ hẻm, nay đang ngày một mất đi, cứ như đất đai tự biết biến hóa, tàng hình vậy. Lại nghe, ở nơi phố phường, cũng trong nạn này.
Cái mặt nước phẳng lặng thanh bình ở hồ Bảy Mẫu và hàng cây xanh bóng mát ở những con đường nhiều năm tuổi bỗng một ngày trở thành thứ hàng "độc" mà giá do mấy người nhiều u-ét-đê (USD) định đoạt. Ðồng tiền thoắt cái, biến mấy chữ "gỗ sưa", chữ "Disneyland" ào về gieo gió gặt bão. Sự kiện này chỉ mới xét lẽ môi trường, lẽ đặc trưng cảnh quan thẩm mỹ cũng phải cân nhắc kỹ càng mới được.

Vẫn biết mỹ quan và tính biểu trưng truyền thống nào cũng có thời điểm khởi tạo, bắt đầu. Vả nữa, mỗi thời đại cũng cần tạo được cái "mỹ quan", cái diện mạo văn hóa- văn minh của mình. Lẽ hiển nhiên là thế. Và hơn thế, để có được cái công trình sẽ đem lại lợi ích kinh tế, văn hóa cao, lại có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc, thêm nữa vẫn đáp ứng được nhu cầu vui chơi thưởng ngoạn cho bàn dân thiên hạ... thì càng thêm quý.

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Phong tục "Tết trồng cây" do Bác Hồ khởi tạo. Trong nhân loại, phong tục lễ tết có rất nhiều. Song dường như "Tết trồng cây"- để môi trường, khí hậu xanh - sạch - đẹp thì riêng ở xứ Việt ta mới có. Ðiều quý giá đầy tính dự báo về thiên nhiên này, phải chăng xuất xứ từ tận nguồn văn minh dân tộc? Từ lâu lắm, mãi từ thời Văn Lang - Âu Lạc dân ta đã biết giữ gìn và tái tạo môi trường, cộng sinh với thiên nhiên, mùa vụ. Chúng ta chẳng đã tự hào về nền văn minh lúa nước mấy nghìn năm đó thôi. Tình cảm người Việt gắn kết với thiên nhiên, cây cỏ là sâu xa lắm, tận cái bản năng sinh tồn, bản tính tự nhiên kia. Không phải ngẫu nhiên, vô tình mà dân ta đã khám phá không chỉ về tình cảm cảnh quan mà còn về tinh thần, tính chất của điều thiêng nguồn sông, ngọn núi cùng các loài cây cỏ. Ví như, trong các câu chuyện dân gian, cổ sử, về thần Tản Viên Sơn, thần Ðầm Nhất Dạ, và tre đằng ngà, trầu cau... (Khảo cứu, so sánh thêm một hình ảnh mặt trăng của người Việt gắn với cây đa, còn của người Trung Quốc - xứ sở có nền văn hóa gần gũi với ta thì hình ảnh mặt trăng gắn với con thỏ...). Còn nhiều những minh chứng về sự gắn bó, sức hợp thành thống nhất, đồng nhất giữa con người trong nguồn cội văn hóa Việt với vũ trụ, thiên nhiên vạn vật...

Ôi, trong cuộc hợp thành gần như đến mức: Nhất thể giữa ý thức, tâm thức, phương thức sống của con người với thiên nhiên mùa vụ người Việt bao đời nối bước nhau lập nên một cõi trời đất mang danh là: Nền văn minh lúa nước, văn hóa Văn Lang!

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Thơ này được lưu truyền thế gian bởi nó nói trúng cái ý niệm nhân sinh và thời gian: Hữu hạn và trường tồn, điều thiêng liêng vĩnh cửu nằm ngay trong nỗi phù sinh, hư ảo. Với khả năng giải thiêng này, tính cội rễ của tư tình đã trở nên sáng tỏ. Vườn cũ này, tình cây cỏ ấy chẳng phải là một đối ảnh, đối nhân vô vàn đáng yêu cũng đáng e ngại trước tình người đó sao! Cây cỏ là gì mà biết gieo tình cỡ vậy?

Từ con mắt tình chung thủy Kim - Kiều và khúc xạ qua các làng quê người Việt ta thời mở cửa kinh tế, đặng mà chiêm ngưỡng lại những vùng miền (có khi đã thành ra ngày xửa ngày xưa...) sáng danh nhờ tên cây cỏ. Ðây xứ dừa Bến Tre, rừng tràm, rừng đước U Minh, rừng cọ nơi đất Tổ Phú Thọ, riêng tư hơn nữa là những loài cây đã hóa biểu trưng, thành ra thứ vóc hình, vóc tình cho các làng mạc, phố phường như cây đào làng Ngọc Hà, cây hoa sữa đường Nguyễn Du - Hà Nội; lại đây nữa, tận ngàn xưa, cây đa bến nước, cây trúc bên đình, cây đại cổng chùa, cây mít bên nếp nhà ngói; và thật xốn xang khi bắt gặp tiếng ve ran ran gọi hè trong tán phượng rực đỏ sân trường.

Mà bàn luận đâu xa, một biểu tượng vừa gần gũi vừa cao quý với mỗi người Việt Nam ta, ấy là cây tre. Nhiều quốc gia có lẽ cũng có những loài cây mang biểu trưng riêng như một thứ "quốc hiệu". Cây hoa hồng xứ Bun-ga-ri, cây chăm-pa đất bạn Lào... Song sẽ không có xứ sở nào cây lại bó bện, rịt ràng, thiết thân như người Việt với tre Việt. Từ trong đời sống thanh bình, nếp sinh hoạt, lao động thường nhật, tre đã hóa thân vào mọi hoạt động của con người. Cái giần, cái sàng, cái nong, cái nia, cái thúng, cái mẹt, cái đòn gánh, cái quang tre, cái chõng, cái giường, cái thương, cái chạc; bé nữa thì cái tăm, cái đũa; công lênh lớn lao thì cái cột, cái kèo, cái xà, cái rui, cái mè cho những ngôi nhà che sương, chắn gió; còn trời bể hơn phải kể khi tre thành phên giậu giữ làng, chống lại giặc giã, bão giông. Cây tre với người Việt là một biểu tượng về tình yêu và sức mạnh. Người Việt sống trong lũy tre xanh cơ hồ mỗi người là một Phù Ðổng Thiên Vương.

Một truyền thống phong tục, một nét văn hóa hay cả nền văn hóa nào mà không từ một điểm khởi ban đầu. Ví như, trước một mảnh vườn con con, góc phố nho nhỏ ta hãy trồng lấy một loại cây. Sẽ là từ đấy sau năm năm, mười năm, trăm năm,... loại cây đó lớn lên, đẹp lên mang vẻ hương sắc đặc trưng cộng với công sức, tình cảm của ta, của con cháu chắt chít ta sẽ thành ra, lập nên kỷ niệm, lập nên cái nghìn năm hệ thời gian thật riêng. Ðược vậy thì quý báu lắm. Bởi qua đó, ta đã trồng nên một cuộc tình xuyên thời gian, mang kỷ niệm, tâm thức của bao nhiêu thế hệ.

Cảnh cũ người xưa! Cái hình ảnh cõi sống ám ảnh con người biết bao!

Cảnh cũ người xưa! Ðể có được cõi ám ảnh này, trước hết nhờ có tình cây cỏ! Vậy rõ ràng trồng một cây xanh là ta đã trồng nên một kỷ niệm, trồng nên cả một ký ức thiên nhiên.
Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT