Phong tục đón Tết của người Mường (Hoà Bình)
Người Mường xưa, không ăn Tết ông Công, ông Táo như người Việt, vì thế Tết bắt đầu từ ngày 27, 28. Đêm 30, tức ngày "chín cối tháng ba" theo lịch của người Mường, tất cả con cháu sẽ tụ tập ở đền thờ để làm lễ "khai sáng". Lễ này được cúng cả bằng lễ chay và bằng lễ mặn. Lễ chay gồm các loại hoa quả trong vườn, càng nhiều càng tốt, để tổ tiên, thánh thần phù hộ cho mùa xuân mới nhiều lộc, hoa, trái. Lễ mặn gồm oản, gà, thịt, bánh dầy, bánh chưng. Trước đây, ngày Tết người Mường chỉ ăn thịt lợn, thịt gà chứ không có giò, chả, mọc như người Kinh. Đến thời điểm sang canh thì con cháu tất cả phải ở phía ngoài đền, chỉ có ông Trùm, ông Seo và những người già trong bản mới được vào đền làm lễ. Sau khi lễ ở đền, mọi người ai về nhà nấy đón giao thừa. Một thủ tục không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Mường đó là một lễ cúng ngoài trời gồm một con cá diếc và một cái bánh chay. Sáng ra, lễ này được mang cho con trâu ăn trước, vì họ cũng quan niệm như người Kinh - "con trâu là đầu cơ nghiệp", cho con trâu ăn trước để con trâu đi làm.
Với người Mường, việc thờ cúng ngoài trời rất quan trọng nên trong những ngày Tết nhà ai cũng chuẩn bị cho mỗi thành viên trong gia đình một cây hương để cúng bản mệnh ngoài trời. Món ăn trong ngày Tết của người Mường từ xưa đến nay không bao giờ thiếu bánh chưng và bánh dầy để biểu hiện trời tròn, đất vuông và cũng là để tưởng nhớ đến ông vua của người Mường là Vua Lang. Gia đình nhà nào thờ cúng bao nhiêu người thì làm bao nhiêu cái bánh chưng. Trong ba ngày Tết, người ta chỉ tết cha, tết mẹ và tết thầy cúng - những người quan trọng nhất trong quan niệm của họ.
Trong những ngày Tết, nếu chưa được sự cho phép của ông Trùm thì không ai được phép ra đồng làm việc. Đến ngày 7 tháng Giêng là ngày lễ lớn nhất của người Mường, đây là lễ hội "mở mắt cồng, mắt lệnh", lễ hội "xuống đồng". Từ 5 giờ sáng, người dân trong bản tập trung tại phủ thờ Thành Hoàng. Theo phong tục của người Mường thì trước khi mở hội Cồng Chiêng, làng phải có một thủ tục làm mâm lễ trình với các vị Thánh trong làng. Mâm lễ bắt buộc phải có một con lợn "non 5 già 3" để làm cỗ vành 3-5-7-9 tính từ trong ra. Mở đầu lễ hội Cồng Chiêng, ông Trùm sẽ có lời trình báo với dân làng rằng: "Lang co le chao khoan". Sau đó ông Trùm sẽ đánh ba hồi chiêng đầu, sau đó con chá mới được bước vào phủ để làm lễ, và tiếng chiêng kết thúc cũng là lúc kết thúc phần lễ ngày hôm đó...
Ngày nay, phong tục lễ của người Mường cũng có nhiều thay đổi. ở nhiều nơi họ cũng bắt đầu ăn Tết 23 tháng Chạp, cũng mua cá về nhà để thả, việc thờ cúng cũng gọn nhẹ hơn. Nhiều trò chơi dân gian vẫn được tổ chức nhưng cũng có thêm các trò chơi hiện đại thu hút nhiều người tham gia.