Non nước Việt Nam

Xông đất đầu năm - Nét đẹp văn hóa Việt

Cập nhật: 02/02/2009 09:02:52
Số lần đọc: 1810
Không biết chính xác có từ khi nào, tục xông đất đầu năm, cũng như các phong tục lì xì hay xuất hành hái lộc, đã trở thành một nét văn hóa đẹp thể hiện khát khao hướng thiện của người Việt từ nhiều đời nay.

Người Việt Nam quan niệm nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn trong ngày mồng Một Tết thì cả năm sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà rất quan trọng.

Bởi thế, cứ đến dịp cuối năm, hầu như ai cũng có ý tìm chọn trong họ hàng hay láng giềng những người tốt tính và làm ăn phát tài, có cuộc sống suôn sẻ để “xông đất” nhà mình, tức là người khách đến nhà đầu tiên trong năm mới.


Thời gian xông đất tốt nhất là ngay sau giao thừa hoặc buổi sáng mồng Một Tết. Người đi xông đất thường ăn mặc đẹp, mang theo một chút quà Tết kèm những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ. Quà ở đây không nhất thiết là quý giá, nhiều hay ít, mà chỉ mang tính tượng trưng, phụ thuộc vào mức độ quen biết gia chủ thân hay sơ.


Đó có thể là một chai rượu Tết, một gói trà ngon, một chiếc bánh chưng hay thậm chí chỉ là một cành cây xanh nhỏ tượng trưng cho tài lộc đầu năm. Sau khi hoan hỉ với nhiều lời chúc tụng tốt đẹp, khách và gia chủ cùng nhâm nhi một chút đồ ăn, thức uống gì đó để “lấy may”. Và người đi xông đất có niềm vui đã làm được việc phước, chủ nhà thì mãn nguyện với niềm tin gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.


Nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc cho rằng tục xông đất thể hiện mong muốn hướng tới những điều tốt lành của người dân Việt. Bất cứ ai, dù là người xấu, cũng muốn được một người tử tế, tốt tính đến xông đất nhà mình, “có nghĩa là họ muốn trở nên tốt lành hơn, thiện hảo hơn năm cũ”.
 
Vị sứ giả văn hoá của Việt Nam này thường mời bạn bè người nước ngoài, không phân biệt nam hay nữ, tới nhà mình ăn bánh chưng vào lúc giao thừa hay ăn bữa cơm gia đình vào sáng mồng Một Tết.


Dẫu có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng xông đất vẫn là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ. Sau thời khắc giao thừa, bàn thờ gia tiên được trưng bày rực rỡ với hoa vạn thọ, hoa lay ơn trong chiếc bình cổ, mâm ngũ quả đủ màu sắc, nhà nhà sum họp và mở rộng cánh cửa đón năm mới. Trong mùi hương trầm thoang thoảng ấm cúng, người đến xông đất cùng gia chủ rót tách trà ngon, mời nhau chiếc bánh ngọt hay uống một ly rượu, rồi cùng cầu chúc những điều tốt đẹp cho nhau trong năm mới./.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT