Non nước Việt Nam

Đặc sắc nghệ thuật Hát Ghẹo Phú Thọ

Cập nhật: 19/01/2009 14:52:33
Số lần đọc: 2719
Cũng không giống với hát Bá Trạo Quảng Bình hay hát chầu văn, hát Ghẹo là kiểu hát đối đáp, giao duyên nam nữ, nhưng là kiểu hát giao duyên theo phong tục “nước nghĩa” giữa trai gái Việt và Mường.

Đây là sản phẩm văn hoá và giá trị tinh thần của chung hai dân tộc Việt - Mường duy nhất chỉ thấy ở Phú Thọ. Với cách xưng hô trang trọng, những ông già, bà già trong dịp tế lễ được gọi là, "quan trùm", "bà trùm", các anh, các chị được gọi là "quan anh", quan chị. Hai bên nước nghĩa đều dùng cách xưng hô trang trọng này không phân biệt chủ khách. Những bộ áo the, quần trắng, khǎn xếp đội đầu đẹp nhất dành cho ngày hội là trang phục của các quan anh và áo nǎm thân, áo cánh trắng, quần lụa sồi, yếm điều, thắt lưng bao các mầu, xà tích đeo, khǎn mỏ quạ chít đầu là trang phục của các quan chị.

 

Về cách hát Ghẹo: Hát Ghẹo nói chung và hát Ghẹo ở Phú Thọ nói riêng, cách hát không khó nhưng đòi hỏi người hát phải luyến láy đúng giọng điệu nên không tập thì khó có thể vào nhịp được. Trong ngày hội hát Ghẹo, người ta quy định cụ thể về cách ứng xử, ăn mặc, giọng hát, thể lệ và nơi chốn được tiến hành. Những người già nếu là ông trong hát ghẹo gọi là “quan trùm”, còn bà thì gọi là “bà trùm”, các anh, các chị được gọi là “quan anh”, “quan chị” cách xưng hô đó rất trang trọng. Hai bên nước nghĩa đều dùng cách xưng hô trang trọng này, không phân biệt chủ khách. Trang phục của các quan anh là những bộ áo the, quần trắng, khăn xếp đội dầu, quan chị là những chiếc áo năm thân, áo cánh trắng, quần lụa sồi, yếm điều, thắt lưng bao mầu, xà tích đeo, khăn mỏ quạ chít đầu. Khách ngồi trên sập, trên giường giữa nhà thường là các quan trùm, quan anh. Các bà trùm và quan chị thường trải chiếu ngồi trên dãy giường của gian bên.

 

Ứng xử trong hát Ghẹo: Mối quan hệ giữa các làng hát Ghẹo là một biểu hiện của nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Đến nay dù rằng các làng này không còn duy trì hát Ghẹo nữa, nhưng họ vẫn coi nhau là anh em. Đó là nét đẹp ứng xử của liền anh, liền chị, nó được biểu hiện qua lời ca hát Ghẹo. Không bài nào, câu ca nào có từ ngữ xuồng sã, mặc dù là đối đáp trong hát Ghẹo mang tính chất tinh nghịch, trêu đùa.

 

Ngoài ra, nét đẹp văn hóa trong hát Ghẹo còn được biểu hiện ở trang phục quần áo: Nam mặc quần trắng, áo the, khăn xếp; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao các màu, đeo xà tích, quần lụa sồi. Cũng như đào, kép phường Xoan hay liền anh, liền chị Quan họ, quan anh, quan chị hát Ghẹo rất coi trọng việc mặc khi đi hát. Việc mặc đẹp khi hát là để tôn trọng, phải phép với bạn hát.

 

Lời ca trong hát Ghẹo: Sinh hoạt văn hóa hát Ghẹo không gắn với tín ngưỡng, không gắn với lễ nghi hội làng, nhưng nó lại là một bộ phận của hội làng. Cuộc hát Ghẹo được tiến hành sau các lễ nghi cầu cúng, tế lễ của hội làng. Nội dung lời ca hát Ghẹo cũng phản ánh về hội làng, thậm chí phản ánh cả việc quan anh, quan chị tham gia vào tế lễ, cầu cúng. Ngoài ra hát Ghẹo còn phản ánh nhiều vấn đề trong cộng đồng làng xã, nhưng khác hẳn với những sinh hoạt ca hát dân gian khác, nó chỉ xoay quanh chủ đề tình yêu, chỉ mượn những vấn đề xã hội mà bộc lộ tình cảm lứa đôi mà thôi. Đó là sự phản ánh tập tục, lệ làng trong việc cưới xin; phản ánh nỗi cực nhọc của những chàng trai phải đi đến miền biên ải xa xôi, phục vụ cho dân, cho nước thì ít, phục dịch cho bọn quan lại thì nhiều.

 

Ngoài các bài có nội dung lời ca phản ánh về một số vấn đề xã hội, hầu hết các bài bản, làn điệu trong hát Ghẹo có lời ca bày tỏ các trạng thái tình cảm rất đa dạng: vui, buồn, hờn, giận. Đó là nỗi buồn nhớ thương nhau, da diết mà đằm thắm, đó là tình cảm giận, hờn rất chân thành mà giản dị của quan anh quan chị.

 

Hôm nay em trở lại nhà, Lòng em thương nhớ biết là làm sao, Biết là tin tức thế nào, Biết là mận có chờ đào hay không…Vì đào nên mận long đong, Xin đào chớ ở ra lòng Bắc Nam…

 

Cấu trúc lời ca hát Ghẹo là những thể thơ 4 chữ, thơ lục bát, thất ngôn, thơ tự do… Thơ văn hát Ghẹo chủ yếu là thơ văn dân gian, thơ văn bác học cũng có nhưng không nhiều, một vài bài có sử dụng từ Hán Việt.

 

Âm nhạc trong hát Ghẹo: Thang âm điệu thức chủ yếu gồm 5 âm không có bán âm. Ở chặng đầu cuộc hát Ghẹo là những câu Ví mời trầu, âm điệu câu hát chỉ có 3 âm: Rề - La – Si

 

Chặng thứ hai Giọng sổng, thang 4 âm: Rề - Son - La - Đô. Chặng Sang giọng không có lề lối, quan anh (quan chị) có thể hát bất kỳ bài nào, nhưng phải hát đối lại một bài giống về làn điệu và có thể đối lời hoặc không đối lời, nhưng đối lời vẫn là chủ yếu. Ví dụ một bên hát bài Trồng cây chuối hột bên đối lại Trồng cây quýt ngọt. Hoặc một bên hát bài Hoa thơm bên kia cũng hát bài Hoa thơm, âm nhạc giống nhau nhưng lời ca đối nhau.

 

Thang âm - điệu thức của những bài bản, làn điệu hát Ghẹo có 5 loại: Loại thứ nhất, gồm một số bài Trồng chuối, Con sáo sang sông, Duyên phận phải chiều. Có cấu trúc (ghi theo lối 5 dòng kẻ) là: Đồ - rê - mi - sol – la; Loại thứ hai, các bài Hoa thơm, Thuyền ai róc rách, có cấu trúc thang âm: Đồ - rê - fa - sol – sib; Loại thứ ba, các bài Duyên phận phải chiều, con sáo sang sông, thang âm là: Đồ - rê - fa - sol – la; Loại thứ tư, các bài Bắt ốc, Làm dàn, Cảnh sơn trang, cấu trúc thang âm: Đồ - mib - fa - sol – sib; Loại thứ 5 ở bài Sai ngoài câu mở đầu gồm 7 nhịp có thang âm: Đồ - rê - fa - sol - la, từ nhịp thứ 8 đến nhịp 29 (hết bài) có cấu trúc thang âm: Đồ - mib - fa - sol - la.

 

Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian đã cho biết hát Xoan là sinh hoạt văn hóa âm nhạc cổ nhất của người Việt. Vùng hát Ghẹo cách các làng gốc hát Xoan (trung tâm của nhà nước Văn Lang) khoảng 30km. Sinh hoạt hát Xoan và sinh hoạt hát Ghẹo có nhiều điểm tương đồng: tục kết nghĩa, cách xưng hô, ứng xử, nội dung lời ca, tính chất âm nhạc... do đó có thể sinh hoạt hát Ghẹo là sự tiếp nhận và biến đổi của sinh hoạt hát Xoan. Không những có những điểm tương đồng với hát Xoan, trong diễn trình lịch sử, sinh hoạt hát Ghẹo còn có những giao lưu văn hóa, âm nhạc với nhiều vùng miền khác ở nước ta. Chính vì thế âm nhạc hát Ghẹo đã có những vận động biến đổi theo hướng có thêm âm mới đồng thời còn có cả chất liệu của Chầu văn, của hát Chèo, của các điệu Lý..., ví dụ: bài Bà rí có âm hưởng Chầu văn, Duyên phận phải chiều gần với làn điệu Chèo, Lý giao duyên, Lý Sài Gòn ngay tên gọi cũng như tính chất âm nhạc giống với các điệu lý miền Nam. Do đó một số bài hát Ghẹo, thang âm - điệu thức, không chỉ có 5 âm mà còn có 6 âm, có quãng bán âm: Mắc phải nhện vương, Lúa chín, Năm thương... Những bài này có lẽ mới được cấy ghép vào hát Ghẹo. Trong giao lưu văn hóa có sự tác động qua lại, tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ càng, sâu sắc, âm nhạc hát Ghẹo có những tính chất riêng biệt, độc đáo không chỉ qua thang âm điệu thức mà còn được thể hiện ở lối phổ thơ, ở giai điệu...

 

Lối phổ thơ trong hát Ghẹo: đơn giản, xuôi chiều theo câu thơ, thường nhắc lại những từ cuối của câu thơ:

Ví dụ: Thuyền ai róc rách bên ngòi, mà bên ngòi

Hay: Chuồn chuồn mắc phải nhện vương, vương mà nhện vương...

Những hư từ như a, à, í, i..., những chữ đệm lót: rằng a, ứ hự, ơi hỡi, a la tang tình tang… được chen, được thêm vào những câu thơ rất hợp lý, khéo léo làm cho câu thơ biến hóa theo nét giai điệu rất hay mà lạ.

 

Về Cấu trúc (khúc thức) trong âm nhạc hát Ghẹo, do âm nhạc luôn bám sát theo thể thơ, câu thơ nên có mấy dạng sau đây: 1) Dạng đoạn nhạc ngâm ngợi tự do: ở những câu hát trong Ví mời trầu, Ví tiễn chân, Giọng sổng, không có nhịp, phách rõ ràng. 2) Dạng đoạn nhạc gồm các câu theo chu kỳ: Cấu trúc câu không tạo cảm giác dứt điểm, nó nối tiếp nhau liên tiếp, khổ câu gần bằng nhau, chất liệu câu sau gần giống câu trước, không xuất hiện chất liệu mới. Ví dụ bài Bà rí. 3) Dạng đoạn nhạc biến tấu: Mỗi câu nhạc gồm 2 câu thơ 4 chữ tương ứng với 2 tiết nhạc, tiết thứ 2 thường nhắc lại gần giống tiết thứ nhất. Các câu trong đoạn có cấu trúc: A-A1-A2…(Bắt ốc, Cái ruộng năm sào). 4) Dạng đoạn nhạc có kết bổ sung: là sự nhắc lại có biến đổi phần đuôi của câu kết nhằm khẳng định sự kết của đoạn nhạc (Thuyền ai róc rách).

Cấu trúc của các đoạn nhạc trong hát Ghẹo không giống với cấu trúc đoạn nhạc cân phương trong âm nhạc chủ điệu phương Tây, nốt kết ở nhiều bài cũng không theo công năng giữa át và chủ, nó mang một đặc trưng riêng.

 

Loại nhịp và tiết tấu: Loại nhịp trong hát Ghẹo chủ yếu là 2/4, một vài bài có sử dụng nhịp biến đổi 2/4; 3/4 (Cảnh sơn trang, Mắc phải nhện vương); 2/8; 3/8 (Trèo lên quán dốc)

 

Với đặc điểm là lối hát đối đáp giao duyên trữ tình, khi thì ngâm ngợi, khi thì thủ thỉ, âm hình tiết tấu trong âm nhạc hát Ghẹo thường bình ổn, đồng nhất, tốc độ chậm rãi, dàn trải. Có những bài ảnh hưởng của một số lối hát khác nên đã có nhịp điệu tiết tấu sôi nổi, vui tươi, dí dỏm: Duyên phận phải chiều, Bà rí…

 

Giai điệu hát Ghẹo mang tính thẩm mỹ riêng, nó tinh tế, uyển chuyển khi thể hiện những cảm xúc trữ tình, sự sâu lắng của tâm hồn. Thuộc loại giao duyên cổ, trong cái tinh tế, uyển chuyển của giai điệu, hát Ghẹo vẫn có cái chân chất, mộc mạc thể hiện qua đường nét giai điệu, cách luyến láy và sử dụng những hư từ, những tiếng đệm lót, đệm nghĩa… Lối tiến hành phát triển giai điệu ở những câu Ví, Giọng sổng theo hình thức đơn nhất, lặp lại những nét giai điệu ban đầu, ít có sự phân hóa về tầm âm. Hình thức biến tấu từ một câu nhạc, đổi dạng ở các câu tiếp theo cũng là một nét đặc trưng trong giai điệu hát Ghẹo (Bà rí, Bắt ốc, Cái ruộng năm sào…). Các thủ pháp phát triển giai điệu như mô tiến, mô phỏng cũng có trong tiến hành giai điệu hát Ghẹo...

Nguồn: website Cinet

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT