Ngọt ngào chè đỗ đãi Mỹ Độ, Bắc Giang
Trước khi nấu chè, ta phải ngâm đỗ vào nước trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Đỗ sau khi ngâm nước cho tróc vỏ phải đãi kỹ lưỡng, không còn sót vỏ hạt. Để đãi được hàng chục kg đỗ sạch vỏ trong thời gian nhanh nhất cũng đòi hỏi sự khéo léo của người trong nghề. Đỗ đãi vỏ, đổ vào nồi, cho nước trên đốt ngón tay thì bắt đầu nổi lửa. Nấu chè đỗ đãi phải nấu bằng củi, vì củi giúp giữ nhiệt lâu lại có thể điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp. Nấu chè đỗ đãi quan trọng là điều chỉnh lửa. Lửa to, nồi chè dễ bén mà lửa nhỏ, đỗ sượng không chín đều cũng coi như hỏng nồi chè. Khi đỗ sủi phải hớt hết bọt, ninh cạn, giảm lửa, vần nồi chè trên bếp bằng nhiệt than củi cho đỗ chín đều. Khi đỗ bắt đầu nhuyễn, là lúc cho đường vào. Cứ 1kg đỗ thì 1,3 kg đường, nếu thiếu đường, chè sẽ không sánh, dễ vữa khi đổ khuôn. Sau khi cho đường vào, chè dễ bén nồi vì thế điều chỉnh ngọn lửa chỉ liu riu trên bếp. Lúc này, khâu quấy chè là rất quan trọng. Quấy liên tục, đều tay, càng quấy nhiều, chè càng nhuyễn, càng sánh. Đun nồi chè thông thường hết 5 tiếng thì riêng việc quấy chè đã mất gần 3 tiếng. Thế mới biết có được nồi chè ngon là bao tâm sức của người làm. Quấy chè đến khi chè trong nồi sóng sánh như mật thì cho va ni vào. Để đĩa chè đẹp mắt, khâu múc chè cũng phải có kỹ thuật, phải múc khi nóng đổ đều tay quay tròn trên đĩa để chè thành khuôn, phẳng tròn. Lúc này rắc vừng đã rang chín vàng, sẩy sạch vỏ lên trên mặt đĩa chè. Với những người “nghiện” món chè này thì đêm trăng rằm sau khi thắp tuần nhang mời ông bà tổ tiên, chè đỗ đãi được ngơi xuống, chủ nhà ngồi nhâm nhi chè bên ấm trà xanh thì thật sảng khoái. Vào những ngày nóng nực, thả miếng chè đỗ đãi vào cốc nước đá khuấy đều, món chè đã trở thành đồ uống giải nhiệt thơm mát. Ngày nay, trong nhiều mâm cỗ, chè đỗ đãi được đặt trang trọng như một món tráng miệng khoái khẩu. Hơn thế, nhiều người còn coi như món quà quê hương được vận chuyển đi những vùng đất xa xôi.