Dứa Tam Dương: Đặc sản Vĩnh Phúc
Vào rừng dứa mùa quả chín, trông rất vui mắt. Cây dứa xanh um, lá mọc dài, cạnh sắc như lưỡi cưa đỡ lấy trái dứa vàng nơi chính giữa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ mà quả dứa là nhụy với túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu. Khách vào thăm, bao giờ chủ rừng cũng mời ăn. Có hai kiểu ăn: hoặc gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; hoặc đập đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống...Xin mời khách cứ ăn hay uống như thế, ăn thoải mái, miễn phí, chán thì thôi; nhưng thực tình cũng không ăn được nhiều vì quá ngọt.
Món mứt dứa được chế biến như sau: Trước hết, người ta không dùng dứa mật vì ít sơ, nấu dễ nát và quắt lại; cũng không dùng dứa hoa vì quả nhỏ quá; mà thường dùng dứa mỡ gà, ruột to vừa phải và nhiều xơ thấm được nhiều đường. Dứa chọn mua về, gọt hết mắt, cắt từng khoanh dầy độ 1,5cm, thả vào ngâm nước phèn chua. Cắt đủ mẻ nấu thì vớt dứa cho vào luộc chính tới, rồi đem ép nặng cho chảy hết nước, chỉ còn lại xác dứa. Đổ đường vào chảo nấu, cứ 1kg xác dứa thì 600g đường. Cho một ít nước lã vào đường, đun bằng than hoa, cho đường sôi tan ra và tiếp tục đun đến khi đường thành châu thì đổ xác dứa vào. Nước trong xác dứa sẽ làm đường loãng ra. Tiếp tục giữa lửa than cháy vừa phải để nước được sôi lọp bọp cho đường thấm vào xác dứa, đến khi đường thành châu trở lại là được mứt.
Mứt này làm từ mùa thu hoạch dứa để đến tết vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị. Miếng mứt dứa ăn dai dai, càng nhai càng ngọt, lại dôn dốt chua, rất ngon; ăn một lại muốn ăn hai .