Non nước Việt Nam

Sức hấp dẫn của du lịch Hạ Hòa (Phú Thọ)

Cập nhật: 11/03/2009 15:43:48
Số lần đọc: 2362
Huyện Hạ Hòa, vùng đất cửa ngõ tây bắc của Phú Thọ, là nơi có nhiều danh thắng và các di tích lịch sử, văn hóa gắn với những truyền thuyết thời dựng nước. Từ tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, chính quyền huyện Hạ Hòa đã có các chủ trương, kế hoạch phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh, hướng đến chương trình du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Phú Thọ - Lào Cai - Yên Bái.

Hạ Hòa có ba điểm du lịch khá nổi tiếng là Ao Giời- Suối Tiên, đầm Ao Châu và Ðền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Các địa danh này đã và đang được quy hoạch, từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Nổi bật trong các điểm đến du lịch sinh thái kết hợp tâm linh là đầm Ao Châu. Theo truyền thuyết xưa, Vua Hùng thứ 16 đã từng định chọn nơi đây để định đô. Ðầm là khu hồ rộng mênh mông, nơi sâu nhất lên tới 20 m. khu vực đầm có khoảng 100 đảo nhỏ, nằm trong địa phận xã Y Sơn, Ấm Thượng, Ấm Hạ với nhiều ngách bao quanh núi, đồi, có những nhánh chạy hun hút về phía núi xa. Chung quanh đầm là các đồi vải, đồi chè, rừng cây đã khép tán và các kiến trúc nhà cổ soi bóng mặt nước trong xanh. Một danh thắng khác đã được đưa vào tua du lịch của nhiều hãng lữ hành là Ao Giời - Suối Tiên. Khởi nguồn khu danh thắng là hai dòng suối và thác nước bắt nguồn từ hai ngọn núi cao của dẫy núi Nả thuộc xã Quân Khê. Dãy núi này giáp với huyện Yên Lập có độ cao 987,5 m so với mặt nước biển, trong đó có rừng nguyên sinh với nhiều loài động vật - thực vật quý hiếm. Nơi giao cắt của hai dòng suối, thác đổ về cách trung tâm xã Quân Khê khoảng 6 km chính là Ao Giời- Suối  Tiên. Trải dài qua các cánh rừng già, nhiều thảm thực vật nguyên sinh, Suối Tiên như một dải lụa mềm mại vắt ngang núi rừng, tạo thành Thác Chum, tương truyền nơi bà Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời. Bên kia là Ao Giời cũng là một dòng suối dài từ đỉnh núi Nả chảy xuống, tạo thành các thác nước và ao sâu với các tên gọi gắn cùng các huyền thoại như: thác Bụt, ao Cánh Tiên, vực Xanh, động Không đáy, v.v.

 

Ðiểm đến nổi bật nhất của du lịch tâm linh, được nhiều du khách biết đến ở Hạ Hòa là Ðền Mẫu Âu Cơ, một di tích lịch sử văn hóa lâu đời gắn với truyền thuyết Âu Cơ- Lạc Long Quân thuộc xã Hiền Lương, cách Ðền Hùng khoảng 50 km về phía bắc. Truyền thuyết kể lại, khi bà Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, đi đến đâu cũng truyền dạy dân cấy lúa, nuôi tằm, dệt vải. Một ngày kia, Người đến một nơi phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có núi cao, đầm rộng, sông dài, cây cỏ hoa lá tốt tươi. Người cho khai hoang, lập ấp, dạy dân trồng lúa, trồng dâu, dệt lụa. Khi Người cùng bầy tiên nữ bay về trời đã để lại dải yếm lụa dưới gốc đa và nơi đây, nhân dân đã lập đền thờ, giữ gìn hương khói đời này sang đời khác. Năm 1991, Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đã xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Ðền Mẫu Âu Cơ. Năm 1998, chính quyền và nhân dân xã Hiền Lương tổ chức khởi công trùng tu lần một và đến năm 2007 đã hoàn thành với khuôn viên mở rông, xây dựng mới to đẹp, bền vững tạo không gian xanh- sạch- đẹp, tôn vinh vẻ uy nghi, tôn kính của Ðền Mẫu Âu Cơ. Kiến trúc đền hiện nay gồm năm gian đại bái, ba gian hậu cung với cấu kiện kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, các bức chạm trổ tinh vi, đạt trình độ cao về kỹ thuật phục chế và thẩm mỹ. Hằng năm, nhân dân Hạ Hòa mở lễ hội Ðền Mẫu Âu Cơ vào đầu tháng giêng âm lịch. Cùng với lễ rước thành kính là phần hội có nhiều hoạt động thể thao, trò chơi dân gian sôi động, thu hút hàng nghìn nhân dân trong vùng và du khách tham gia.

 

Bên cạnh đó, Hạ Hòa còn có hàng chục di tích khác như di tích quốc gia Ðình Ðông- Ðền Nghè xã Văn Lang, nơi thờ nhị vị Tướng quân Lê Anh Tuấn và Lê Ả Lan có công với đất nước, nơi hằng năm vẫn đón hàng nghìn lượt du khách về dự lễ hội rước nước độc đáo. Ngoài ra là các di tích được tỉnh xếp hạng như: đền Nguyễn (xã Vụ Cầu), đền Chu Hưng xã Ấm Hạ, đình Trắng xã Hậu Bổng, đền Thượng xã Ðan Thượng, đình Phú Vĩnh, Phú Yên xã Bằng Giã, đền Ðức Thánh Bà, Kim Sơn Tự tại thị trấn Hạ Hòa... Hạ Hòa còn được biết đến nhiều bởi nơi đây từng có các chiến khu cách mạng lừng danh trong kháng chiến chống thực dân Pháp như; chiến khu Vần - Hiền Lương xã Hiền Lương, Chiến khu 10 ở Ðại Phạm - Hà Lương - Gia Ðiền - Ấm Hạ...

 

Hiện tại, UBND huyện Hạ Hòa đã có đề án phát triển du lịch từ 2007 đến 2010 định hướng đến năm 2015 với định hướng; đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế - xã hội; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm với kế hoạch cụ thể nhằm giữ gìn tài nguyên môi trường, lành mạnh xã hội và bản sắc văn hóa dân tộc. Mục tiêu là: đưa tỷ trọng ngành du lịch chiếm 4,5% tổng giá trị sản xuất của huyện, tốc độ tăng trưởng 18%/năm; đến năm 2015 chiếm 10% giá trị sản xuất của huyện, tốc độ tăng trưởng 35%/năm. Ðến năm 2015, cơ bản hoàn thiện về đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu, điểm du lịch và đưa vào khai thác, thu hút hằng năm khoảng 50 nghìn lượt du khách trở lên, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, trong đó có 500-700 lao động trực tiếp. Nhiệm vụ trước mắt, huyện đang tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cấp ủy Ðảng, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương về du lịch; đồng thời tăng cường phối hợp du lịch tỉnh và Ban tổ chức Chương trình du lịch về cội nguồn ba tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái cùng Tổng cục Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thu hút các nguồn đầu tư nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch và các thiết chế cần thiết khác phục vụ du lịch.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT