Say đắm Sơn La
Nói đến Tây Bắc và Sơn La thì ai cũng nghĩ đến những cung đường hiểm trở cheo leo, đầy dẫy những hiểm nguy. Nhưng giờ đây, nhắc đến Sơn La là nghĩ tới những phong cảnh núi đồi kỳ vĩ, với cung đường quốc lộ 6 vắt mình uốn lượn như một kỳ tích điểm tô cho bức tranh hùng vĩ giữa đại ngàn Tây Bắc… Một vùng núi non hùng vĩ với những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc. Vẻ đẹp hoang sơ của những nhành phong lan rừng, những đỉnh núi cao mây vờn, những dòng suối nước trong veo và cả tấm lòng chân chất, hiếu khách của người dân bản xứ.
Tại trung tâm TP. Sơn La có một di tích lịch sử - văn hóa, đó là văn bia “Quế Lâm Ngự Chế”, bút tích của một bậc hùng tài, đại lược - Vua Lê Thái Tông. Vào tháng 5 năm 1440, sau khi nhà Vua cùng các quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn vùng Tây Bắc và nghỉ chân tại động La (địa phương gọi là Thẩm Ké), cảm xúc trước cảnh đẹp và khung cảnh bình yên nơi đây, nhà Vua đã viết một bài thơ “Quế Lâm Ngự Chế” được khắc trên vách đá thẳng đứng trên cửa động.
Cửa hang ở dưới văn bia, xuống mười bậc đá là tới. Vào tới cửa hang, du khách sẽ cảm thấy nhẹ nhàng bởi khí hậu mát mẻ, thoáng rộng và cảnh đẹp mà thiên nhiên tạo nên. Trong lòng hang, những nhũ đá rủ xuống tạo thành những dàn đèn lấp lánh, những vỉa đá vôi tạo thành những nhũ đá liền nhau giống như một đoàn quân trùng điệp, đụn thóc khổng lồ được tạo bởi những nhũ đá như những bó lúa vàng xếp tầng tầng lớp lớp thể hiện sự no ấm. Men theo cây thóc lên cao khoảng vài bước là những giếng trời và bồn nước được tạo bởi những nhũ đá uốn cong mềm mại. Trên đỉnh cây thóc là một khối đá hình chuông treo lở lửng, khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh trầm ấm.
Nhà ngục Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908, nằm ngay trung tâm TP. Sơn La, trên đỉnh đồi Khau Cả, nơi bao quát toàn cảnh TP. Sơn La. Đây là một di tích lịch sử nổi tiếng gắn với Bảo tàng Sơn La và tạo nên một điểm tham quan được rất nhiều du khách ghé thăm. Đối với cách mạng Việt Nam thì Nhà ngục Sơn La lại là trường học đấu tranh cách mạng, nơi rèn giũa, đào tạo và cung cấp cho phong trào cách mạng những người cộng sản ưu tú như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thuỷ, Trần Huy Liệu...
Khi áng chiều đã trải dài bóng mỗi ngọn cây, nhuộm đỏ những dòng suối, những chiếc lá vàng trôi lững lờ hiền dịu, thanh bình, là lúc du khách có thể đi trên con đường trải nhựa lượn quanh các triền đồi trông như một dải lụa. Xa xa, những dải khói lam chiều nhẹ nhàng uốn mình theo triền núi. Cách trung tâm TP gần 5km, điểm tham quan và thư giãn tại khu Suối nước nóng Bản Mòng hiện ra còn nguyên những nét đẹp hoang sơ, thuần khiết đầy quyến rũ. Hiện tại, Bản Mòng có 106 hộ dân thuần Thái sinh sống. Họ sống trong nhà sàn lợp ngói ven các sườn đồi. Người dân nơi đây làm các nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, dệt thổ cẩm, đan lát, làm gốm.
Dời nơi đây, chắc hẳn ai đó cũng phải ngập ngừng khi quay gót…/.