Non nước Việt Nam

Cồng chiêng Tây Nguyên, báu vật gia truyền

Cập nhật: 15/01/2009 14:01:46
Số lần đọc: 2104
Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng gắn liền với đời sống văn hóa-tâm linh. Trong tất cả các lễ hội của tộc người Êđê, M’nông, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng… luôn hiện hữu lời chiêng.

Từ xa xưa, người Tây Nguyên coi chiêng là vật báu gia truyền, là thước đo sự giàu sang. Có những chiêng quý như chiêng Char được mạ vàng và đồng đen có trị giá bằng 4 con trâu hoặc 1 con voi. Bộ chiêng của người M’nông thường có 3 đến 6 chiêng, còn bộ cồng chiêng người Êđê có từ 6 đến 11 chiêng. Mỗi một tộc người lại quy định về những đội chiêng theo giới tính khác nhau. Trong khi thành viên đội chiêng của tộc người Êđê Kpă phải là nam giới, thì ngược lại thành viên trong đội chiêng của tộc người Êđê Bih lại toàn nữ giới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cồng chiêng Tây Nguyên còn gắn liền với những nghi lễ trong suốt vòng đời con người, cũng như trong đời sống và lao động sản xuất. Khi con người được sinh ra, tiếng chiêng đã hiển hiện trong lễ đặt tên; lúc trưởng thành và ngày làm lễ trao vòng đính hôn cồng chiêng tấu lên bản nhạc vui mừng; đến khi con người về cõi vĩnh hằng chiêng lại du dương tiếc nuối trong lễ bỏ mả. Khi vui cũng như buồn, bà con Tây Nguyên đều gửi gắm lòng mình, tâm trạng mình vào tiếng chiêng. Nghe chiêng có thể biết lòng người vui hay buồn, và biết ngay gia đình đó, buôn làng đó đang diễn ra lễ hội gì. Tiếng chiêng đám cưới rộn ràng vui tươi; tiếng chiêng cúng bái trang trọng ngân nga; tiếng chiêng bỏ mả chầm chậm tiếc nuối. Mỗi khi buôn làng vang lên tiếng cồng chiêng cũng là lúc bà con sum họp, chia sẻ niềm vui nỗi buồn.

 

Nghệ nhân Y Kuâo Buôn Krông ở buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho rằng: “Chiêng là cái hồn của đồng bào Tây Nguyên. Bà con giữ chiêng như giữ báu vật. Đánh mất chiêng là đồng bào đánh mất mình. Cũng vì lẽ đó mà cách đánh chiêng, những bài chiêng, thanh âm cồng chiêng không biến cải theo thời gian”. Ông cũng là người đi tiên phong trong việc truyền dạy lớp trẻ đánh chiêng. Hiện Ea Tiêu có 6 đội chiêng trẻ và 5 đội chiêng cao tuổi, là xã có nhiều đội chiêng trẻ nhất ở Tây Nguyên.

 

Theo thống kê của ngành văn hóa, hiện Tây Nguyên có khoảng 11.500 bộ cồng chiêng. Riêng tỉnh Đắk Lắk còn 3.375 bộ, với tổng số 24.229 cái chiêng và hơn 500 đội chiêng, đây cũng là địa phương tích cực trong gìn giữ văn hóa cồng chiêng. Nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng, tỉnh Đắk Lắk đã đưa nội dung học cách đánh chiêng vào chương trình học nhạc trong các trường dân tộc nội trú. Mới đây Đắk Lắk còn quyết định chi 6 tỷ đồng, mua 150 cồng chiêng cấp cho 150 nhà văn hóa cộng đồng, tổ chức nhiều lớp dạy diễn tấu chiêng, phục dựng những bài chiêng cổ gắn lễ hội và định kỳ tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng. Cũng với cách làm trên, Đắk Nông đầu tư 5,6 tỷ đồng trong giai đoạn (2006-2009) cho việc mua 100 bộ chiêng cấp cho các thôn buôn…

Nguồn: QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT