Những phát hiện khảo cổ mới tại di tích hang Xóm Trại (Hòa Bình): Thú vị và độc đáo
Tầng văn hóa có niên đại 21 nghìn năm
Nền văn hóa Hòa Bình đã được người Pháp chú ý tìm hiểu và khai quật từ những năm 1920. Thời kỳ đó, hầu hết các nhà địa chất trong vai trò mở mang đường sắt, đường bộ ở khu vực Đông Dương đều lãnh thêm nhiệm vụ khảo cổ. Tại vùng núi đá vôi Hòa Bình, người Pháp đã phát hiện tới hơn 50 địa điểm khảo cổ khác nhau với rất nhiều hiện vật, di chỉ… Thời kỳ đó, những nghiên cứu trên các hiện vật này cho thấy, nền văn hóa Hòa Bình có niên đại từ 10 cho tới hơn 20 nghìn năm, người Hòa Bình cổ sống chủ yếu bằng các sản phẩm thiên nhiên chung quanh vùng thung lũng đá vôi, thức ăn phần lớn là ốc, rồi mới đến hạt quả, củ và một số loài thú nhỏ. Các nhà khoa học Pháp đã gọi đây là “nền văn hóa của những người ăn ốc”.
Theo hướng nghiên cứu đó, năm 1974-1975, di tích hang Xóm Trại (thuộc xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) được các nhà khoa học của Trung tâm tiền sử Đông Nam Á phát hiện, và đến năm 1981 bắt đầu được đưa vào khai quật, nghiên cứu.
Hang Xóm Trại nằm trên một mỏm đá, vào sâu chừng 15m, rộng 8m, sâu chừng 13m, các tầng văn hóa đào được trong hang sâu ước chừng khoảng 3,7m. Hang được khai quật vào các năm 1981, 1982, 1986 và được bảo tồn năm 2004. Ngoài hang Xóm Trại, còn ba khu vực khác là Làng Vành, Xóm Tre và Hang Muối cũng được khai quật để tìm dấu tích văn hóa Hòa Bình.
Ngay từ những hiện vật đầu tiên trong cuộc khai quật năm 1981, khi đưa vào phân tích theo phương pháp đo carbon phóng xạ tại phòng thí nghiệm tại Berlin (Đức), các nhà khoa học đã phát hiện niên đại lên tới 21 nghìn năm. Ban đầu, các nhà khoa học chưa tin tưởng và kết quả này, bởi niên đại 20 nghìn năm khá lâu và hiếm có trên thế giới. Sau đó, hiện vật được tiếp tục đưa sang Hàn Quốc xác định bằng một số phương pháp khác, kết quả vẫn không thay đổi. Như vậy, có thể khẳng định văn hóa Hòa Bình có sớm nhất ở lưu vực sông Hồng, và người Việt cổ xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á.
Ngoài ra tại đây người ta cũng phát hiện một số lượng vỏ ốc rất lớn, cứ mỗi mét khối trầm tích sàng lọc được khoảng 44 nghìn con. Ở di chỉ hang Con Moong (Thạch Thành, Thanh Hóa) đang đề nghị UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới, số vỏ ốc phát hiện được chỉ là 9 nghìn con. Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, với số lượng vỏ ốc lớn như vậy, ước tính mỗi mét vuông vỏ ốc trong hang Xóm Trại có thể cho tới khoảng 300kg thịt ốc. Các nhà khoa học tính toán, phải qua hàng chục nghìn năm mới có thể tích tụ lại được số lượng hàng chục nghìn vỏ ốc hóa thạch ken đặc trong hang như vậy. Điều đó cho thấy sự có mặt rất sớm của người Việt cổ tại nơi này, một khu vực có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi.
Những phát hiện khảo cổ cho thấy, người Việt cổ ở Xóm Trại sống chủ yếu bằng các công cụ thô sơ bằng đá, chưa trồng lúa nước, bắt đầu có tư duy nghệ thuật, chưa có táng tục và chưa hình thành khu mộ táng rõ nét.
Một điều thú vị là, qua những gì tìm thấy ở hang Xóm Trại, lý thuyết “đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm” đã không còn đúng. Vết tích của những mảnh than vụn từ hạt quả cho thấy, trước đây người Hòa Bình cổ sử dụng một loại quả gần giống như quả óc chó và hồ đào, cây rất cao, do đó việc hái quả, lấy hạt thuộc về người đàn ông. Trong khi đó, vết tích xương một số loài cá lại chỉ ra rằng, việc bắt cá chủ yếu thuộc về phụ nữ.
Những mảnh vụn than hạt quả này chứng tỏ cách đây từ 21 - 18 nghìn năm, loại cây cùng họ với hồ đào và quả óc chó này đã xuất hiện tại vùng núi đá vôi Hòa Bình, trong khi đặc điểm sinh học của loại cây này là chỉ sống ở vùng lạnh. Điều này cho thấy, thời kỳ đó khu vực Hòa Bình có khí hậu ôn đới, do những biến đổi khí hậu xuất hiện từ kỷ băng hà cuối cùng.
Bếp lửa và ăn đá khoáng
Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt cho biết, ở hang Xóm Trại, khai quật ở vị trí nào cũng thấy bếp của người tiền sử. Dấu tích của bếp lửa dày tới 2m địa tầng, cùng với vết tích của các loại than từ đất và ốc chứng tỏ người Việt cổ sử dụng lửa kéo dài tới vài nghìn năm, ngọn lửa được giữ cho cháy suốt quanh năm. Các công cụ lấy lửa của người Việt cổ là lỗ đánh lửa bằng đá khoáng và bùi nhùi rất mịn cạo ra từ tre hoặc gỗ. Dựa vào những dấu tích này, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á đang phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hòa Bình phục dựng lại bếp lửa của người nguyên thủy tại hang Xóm Trại, phục vụ cho nhu cầu tham quan của du khách.
Bên cạnh những bếp lửa này, các nhà khoa học còn tìm thấy tiêu bản của hàng nghìn viên đá, tuy nhiên những viên đá này không phải sẵn có trong hang mà được đưa về từ cách đó vài km. Những viên đá này đều có vết cào bằng dụng cụ của con người chứ không phải răng động vật. Nghiên cứu cho thấy đây là những viên đá khoáng dùng để ăn, để bổ sung một số loại muối khoáng và cân bằng vi lượng cho cơ thể. Một số mẫu đá khoáng này đã được đưa đến phân tích tại Viện dinh dưỡng cho thấy, phần vỏ của đá khoáng hoàn toàn có thể ăn được và có đầy đủ các chất kali, mangan… Điều này cho thấy người Việt cổ đã biết sử dụng thiên nhiên một cách hữu hiệu để cân bằng chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Con đường mòn cổ nhất thế giới
Trong quá trình bảo tồn và tôn tạo khu vực di tích hang Xóm Trại năm 2004, tình cờ các nhà khoa học phát hiện ra dấu tích của lối mòn cổ của người tiền sử cách đây khoảng 10 nghìn năm ở phía nam cửa hang. Lối mòn này gần như còn nguyên vẹn, nằm sâu dưới tầng văn hóa Hòa Bình khoảng 60-70cm. Sau đó, vào tháng 10-2008, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện được lối mòn khác, với niên đại lâu hơn, khoảng 21 nghìn năm. Lối mòn này nằm về phía bắc, dài chừng 10, kéo dài từ cửa hang tới chân núi và có dấu tích của đá rơi trong thời địa chất toàn tân.
Nghiên cứu và các phương pháp phân tích cho thấy, cư dân Việt cổ đã sử dụng lối đi này từ rất sớm và trong một thời gian dài, cho đến khi có một đợt đá rơi rất lớn, cách đây khoảng 10 nghìn năm chặn lối, mới chuyển sang lối đi phía nam.
Những vết mòn trên lối đi này còn lại khá rõ nét, hoàn toàn không phải do động vật tạo nên, bởi khoảng cách và các vết được cho là điểm tựa của chân tay để di chuyển tương ứng với bước chân và khoảng cách tay của con người.
Những phân tích dựa trên vết tích của lối mòn này chỉ ra rằng, đây là hệ thống lối mòn đi lại cổ vào loại bậc nhất trên thế giới. Đây là hệ thống lối mòn cổ đầu tiên được phát hiện ở Đông Nam Á và Việt Nam, điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với khảo cổ Việt Nam.
Những phát hiện tại di tích hang Xóm Trại đã hé lộ những điều thú vị về cuộc sống của người Việt cổ ở Văn hóa Hòa Bình. Hiện nay, di tích này đã được Nhà nước cấp bằng Di tích Khảo cổ học cấp quốc gia, được Trung tâm tiền sử Đông Nam Á cùng Bảo tàng Hòa Bình bảo tồn, khai thác. Các nhà khoa học cũng hé lộ, nếu đủ điều kiện, sẽ đưa khu vực này trở thành một địa điểm du lịch khảo cổ hấp dẫn.