Non nước Việt Nam

Sắc màu Tây Giang, Quảng Nam

Cập nhật: 23/02/2009 13:02:46
Số lần đọc: 2171
Phải mất gần 200km đi từ Đà Nẵng hoặc Tam Kỳ lên Tây Giang nhưng du khách sẽ không cảm thấy hoài công khi được một lần hòa mình vào không khí lễ hội linh thiêng của đồng bào vùng cao nơi đây. Đặc biệt hơn, Tây Giang đang sở hữu ngôi làng truyền thống độc đáo có một không hai của người Cơtu sẽ là điều kỳ thú cho bất cứ ai một lần được chiêm ngưỡng.

Làng cổ Cơtu được xây dựng trên đỉnh đồi tựa lưng vào rừng tại thị trấn Tơ Viêng (Tây Giang). Làng cổ gồm 10 ngôi gươl đại diện cho 10 xã của huyện, mang đậm dấu ấn của đồng bào Cơtu sinh sống ở 3 vùng (vùng cao, vùng trung, và vùng thấp). Du khách có thể nhận thấy nét độc đáo này qua mái lợp của các gươl với loại lá nón là đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơtu vùng thấp ở các xã Dang, A Vương, Ba Lêê; lá mây là sản vật của vùng trung ở xã A Tiêng, Lăng và lá tranh là đặc trưng của đồng bào vùng cao ở các xã ChƠm, TrHy, Ga Ri, A Xan... Ngoài ra, trong từng ngôi nhà, nét kiến trúc và trang trí cũng khác nhau thể hiện đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của đồng bào Cơtu.

Đặc biệt, tại làng cổ Cơtu của Tây Giang còn được trưng bày ngôi nhà dài của một đại gia đình sinh sống lâu đời ở vùng cao ChƠm vừa được sưu tập. Ngôi nhà có chiều dài gần 30 mét, có tuổi hơn 100 năm và trước đây là “tổ ấm” của hơn 100 nhân khẩu trong một đại gia đình có nhiều thế hệ cùng sống chung. Ngước lên trần nhà, những thớ gỗ sần sùi đen óng ánh, những sừng, da thú vật và các loại cung, nỏ, giáo mác... gợi lên những cảm quan, hoài niệm về cuộc sống hoang sơ của bao tộc người giữa đại ngàn Trường Sơn. Gươl chính của làng cổ là một công trình độc đáo với sự chăm chút, tỉ mỉ, uyển chuyển trong từng đường nét kiến trúc nhưng vẫn không làm phai nhạt tinh thần mạnh mẽ, khát vọng chinh phục rừng núi của người Cơtu. Tất cả các công trình tại làng cổ Cơtu là sự chắt lọc những nét văn hóa mang đậm bản sắc của một tộc người có dân số đông nhất so với các dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng tây Quảng Nam.

Theo già làng Alăng Ngo (xã A Vương), khi lập làng mới, người Cơtu đều làm gươl. Trước khi dựng gươl, đồng bào phải tiến hành lễ chọn đất. Việc chọn đất lập làng và chọn đất dựng gươl là một trong những tín ngưỡng linh thiêng và được đúc kết kinh nghiệm từ lâu đời của người Cơtu. Chọn đất để lập làng, làm gươl là công việc của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng và am hiểu phong tục. Trước khi chọn đất, các già làng đều khấn xin thần núi, thần nước, thần đất… để xin được dựng gươl tại nơi đó. Ở người Cơtu có nhiều cách chọn đất để làm gươl như: chọn đất bằng trứng gà, theo quy ước một bên của người, một bên của ma, họ đốt trứng và nếu như trứng trào lên sang phần của người là đất được chọn. Nếu trứng trào lên tràn sang phần của ma thì mảnh đất đó không được chọn. Sau khi đã chọn được đất làm nền thì người Cơtu tổ chức lễ dựng gươl, được thực hiện vào sáng sớm khi mặt trời vừa mọc. Đầu tiên là dựng cây cột cái, khi cột này được dựng ngay ngắn, già làng lấy một ít nước đổ vào cây cột cái đó để cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, sống hòa thuận, đoàn kết, hạnh phúc, thương yêu nhau…

Đến làng cổ Cơtu Tây Giang, du khách sẽ được trở về với không gian linh thiêng của lễ hội. Sẽ ngất ngây trong rượu cần, rộn rã cồng chiêng với vũ điệu tung tung da dá dâng trời. Những cánh tay con trai mạnh mẽ cầm nỏ, cầm gươm giương cao lên trời biểu hiện sức mạnh, ý chí và khát vọng chinh phục thiên nhiên, chống lại thiên tai địch họa, gìn giữ buôn làng; những bước chân con gái dịu dàng uyển chuyển, những bàn tay như búp măng nâng cao ngang vai biểu hiện tình yêu chung thủy của người con gái Cơtu, ao ước mong cho đất trời mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người mạnh khỏe.

Ông A Lăng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Tây Giang cho biết, ý tưởng xây dựng một ngôi làng truyền thống tại trung tâm huyện lỵ Tây Giang ngoài mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Cơtu còn nhằm kết nối những giá trị văn hóa độc đáo này với các dân tộc anh em. Trong chiến lược phát triển ngành du lịch của địa phương, làng cổ Cơtu cũng là một điểm đến ấn tượng trong suốt chặng đường khám phá của du khách trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Và là điểm kết nối du lịch của các địa chỉ đã được nhiều người biết đến như làng Bhồng (Đông Giang), thác Grăng (Nam Giang) hoặc những địa danh, di tích lịch sử của những năm tháng oai hùng... Bởi vậy, du khách chắc hẳn sẽ có những cuộc vui thú vị khi một lần đến vùng cao. Hoặc bây giờ, nếu có thể bạn hãy đến Tây Giang như một lần từng hẹn quay trở lại với vùng đất này để nghe những xúc cảm từ sâu thẳm tâm hồn mình ngọt ngào như câu hát lý giao duyên của người con trai Cơtu: “Em ơi chân em đẹp lắm, trắng như ngà voi trên rừng, nhanh như con sóc trên cây. Giọng em hay như chim hót trong rừng, trong như suối róc rách, miệng cười tươi hơn Đlơm. Nếu thương nhau xin đón anh về...”.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT