Cung đường xanh Tây Nguyên
Sau ba năm xây dựng, tháng 4/2007, cung đường 723 được mệnh danh là "cung đường xanh Tây Nguyên", đã chính thức được thông xe giai đoạn 1, rút ngắn khoảng cách giữa phố núi Ðà Lạt và thành phố biển Nha Trang hơn 90 km so với lộ trình trước đây qua quốc lộ 27 (hiện Ðà Lạt đi Nha Trang chỉ còn hơn 138 km).
Con đường không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Ðồng và Khánh Hòa mà còn hình thành nên trục tam giác du lịch TP Hồ Chí Minh - Ðà Lạt - Nha Trang, nhưng cái chính vẫn là phá thế ngõ cụt cho Ðà Lạt.
Cung đường ngang qua các vùng hoa nổi tiếng của phố núi như: Chi Lăng, Thái Phiên, Ðạ Sa, Ða Nhim rồi len qua những cánh rừng thông bạt ngàn, những cánh rừng nguyên sinh bất tận trên đỉnh Hòn Giao ở độ cao 1.650 m so với mực nước biển, ngày hai buổi chìm trong sương mù.
Ở mạn Ðông Hòn Giao, con đường xuôi về những buôn làng thanh bình của vùng quê Diên Khánh, Khánh Vĩnh và kéo dài cho tới bờ biển của Khánh Hòa.
Ðiều hấp dẫn du khách còn ở chỗ trước đây từ Ðà Lạt muốn đi Nha Trang duy nhất chỉ có một tuyến đường qua quốc lộ 27 vòng qua tỉnh Ninh Thuận, phương tiện đi lại bằng xe đò nên không thể đi về trong ngày.
Nay với cung đường 723, du khách có thể dễ dàng từ Ðà Lạt xuống Nha Trang và ngược lại chỉ trong ba giờ bằng xe máy. Không chỉ có vậy, con đường có thể đón khách từ miền bắc, miền trung vào Ðà Lạt một cách dễ dàng, tiện lợi và nhanh hơn rất nhiều so với con đường trước đây.
Ðường du ngoạn xanh len qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, vượt qua nhiều vách đá cheo leo và những thác nước hùng vĩ. Hình dung trong tương lai, con đường đẹp này còn kết nối với cung đường xanh Tây Nguyên - đường Trường Sơn và đặc biệt là đường Ðông Trường Sơn - nối liền với cung đường di sản văn hóa miền trung - Tây Nguyên.
Chỉ trong thời gian ngắn, những buôn làng nằm trong vùng đệm của rừng quốc gia Bi Doup - Núi Bà như: Ðông Mang, Ðưng Tupóh, Ðưng KSi... nằm ẩn hiện trong rừng thông này sẽ hình thành nên những làng du lịch xanh.
Nơi đây, trong từng nóc nhà dài của các dân tộc người bản địa gốc KHo vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống Tây Nguyên như: không gian văn hóa cồng chiêng, rượu cần, sản phẩm thổ cẩm cùng những món ẩm thực rừng rất độc đáo như: khô nai, khô heo.
Hiện nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà còn xây dựng và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào dự án du lịch sinh thái với những sản phẩm hết sức độc đáo như: Du lịch mạo hiểm - lội rừng, băng đèo, vượt suối, vượt sông; xem thú, ngắm chim.
Ở đây có nhiều rừng, nhiều thác nước đẹp và đồng bào vẫn còn giữ được nét văn hóa truyền thống nên phát triển du lịch sinh thái là cái mạnh của địa phương.
Thật vậy, một đơn vị tư vấn ở TP Hồ Chí Minh đã khảo sát và chọn ra 10 điểm dừng chân cho du khách trên tuyến đường này.
Ðiều kiện tự nhiên ở đây còn thả nuôi được các loại cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao như: cá hồi (hiện Viện Nuôi trồng thủy sản đã nuôi thử thành công loại cá này và Lâm Ðồng cũng đã quy hoạch 100 ha tại xã Ðạ Chai để đầu tư thả nuôi đại trà phục vụ du lịch và xuất khẩu).
Thêm thế mạnh để phát triển ngành du lịch địa phương, đó là chăn nuôi heo đen thả rừng, một trong những nguyên liệu làm nên sản phẩm khô heo nổi tiếng của các tộc người bản địa trên cao nguyên Lang Bian.
Con đường mở ra lợi thế cho địa phương đi tắt đón đầu bằng các dự án kêu gọi đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao ở Liêng Su, Ðơng Sơ Ranh, KLong - KLanh và các dự án phát triển du lịch sinh thái ở vùng đệm rừng Quốc gia Bi Doup - Núi Bà.
Tính đến thời điểm này, riêng trên địa bàn xã Ðạ Chai (huyện Lạc Dương) đã có hơn 10 dự án đang được địa phương trải thảm đỏ mời gọi các nhà kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. UBND hai tỉnh Lâm Ðồng và Khánh Hòa đã thống nhất xây dựng "tua" du lịch tam giác khép kín Phan Thiết - Nha Trang - Ðà Lạt. Trên cung đường xanh Tây Nguyên - nơi giáp ranh giữa hai tỉnh sẽ thành lập một trung tâm buôn bán đặc sản của hai vùng và làm điểm dừng chân cho du khách.