Phục dựng Lễ Tế Đàn Xã Tắc tại Festival Huế 2008
Đàn Xã Tắc, nơi tế thần đất (xã) và thần lúa (tắc) của triều Nguyễn được xây dựng vào tháng 3 năm Gia Long thứ 5 (1806) do các thành dinh trấn trên cả nước đóng góp đất sạch về Huế để xây đắp nên. Đàn được tổ chức tế lễ mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu. Lễ tế đàn Xã Tắc được xếp vào hàng "đại tự", cách ba năm (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đích thân nhà vua đến làm lễ.
Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng nên khi xây dựng đàn, triều đình đã buộc 28 dinh trấn trong cả nước nộp đất sạch về để đắp nên công trình này. Theo các nhà nghiên cứu cũng như sử sách ghi chép lại, khi triều Nguyễn được lập nên, lòng dân khắp nơi vẫn chưa khuất phục dòng họ Nguyễn, thì việc xây dựng đàn Xã Tắc bằng đất của cả nước có ý nghĩa tinh thần rất lớn, với hàm ý giang sơn thu về một mối, quốc gia đã thống nhất. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, Đàn Xã Tắc bị xâm chiếm và xuống cấp nghiêm trọng, tuy nhiên tinh thần và ý nghĩa nhân bản của nó vẫn còn tồn tại.
Tái hiện một phần trong Lễ Tế Xã Tắc ở Festival Huế 2008 đã thể hiện tính nghiêm trang, qui mô hoành tráng của một lễ hội cung đình. Lễ Tế được tổ chức khá quy mô, gần 500 người tham gia đầy đủ đạo cụ, phục trang , nghi trượng, cờ phướn. Lễ Tế được thực hiện trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức truyền thống. Bắt đầu từ 6h sáng ngày 10/6/2008 tại Ngọ Môn. Sau 3 hồi chuông trống, Ngự đạo sẽ di chuyển dọc theo đường 23/8 vào đường Lê Huân rồi rẽ lên đường Trần Nguyên Hản đến đàn Xã Tắc. Đúng 7h, sẽ bắt đầu lễ tế với các nghi tiết: Lễ Quán tẩy, Lễ Thượng hương, Lễ Nghinh thần, Lễ Điện ngọc bạch, Lễ Truyền chúc, Lễ Hiến tước…
Trùng tu di tích Xã Tắc và tổ chức Lễ Tế trong Festival 2008 là tiền đề cho tổ chức lễ tế của nhiều năm sau. Trong trương lai, sau khi trùng tu được toàn bộ Đàn Xã Tắc, sẽ khôi phục lại lễ tế qui mô như ngày xưa nhằm góp phần xây dựng hồ sơ di tích và tiến tới công nhận Lễ Tế Xã Tắc là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.