Hoạt động của ngành

Bắc Giang triển khai điều tra tài nguyên du lịch

Cập nhật: 21/10/2024 14:48:00
Số lần đọc: 74
Hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch trên phạm vi toàn tỉnh, tỉnh Bắc Giang triển khai điều tra tài nguyên du lịch.


(Ảnh minh họa). 

Theo Kế hoạch số 160/KH-UBND về việc tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đối tượng điều tra gồm tài nguyên du lịch tự nhiên (Cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch) và tài nguyên du lịch văn hóa (Di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch).

Việc tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch diễn ra trên toàn tỉnh Bắc Giang dự kiến từ quý IV năm 2024 đến hết năm 2029. Công tác tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch gồm các nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch, phương án điều tra; Sử dụng phần mềm và các tài liệu hướng dẫn phục vụ công tác điều tra tài nguyên du lịch; Tập huấn và tham gia tập huấn công tác điều tra; Tổ chức triển khai điều tra; Tổ chức tổng hợp, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; Công bố và lưu trữ kết quả điều tra. 

Trong đó, xây dựng và triển khai phương án điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, các quy định và quy trình của Luật Thống kê, Luật Du lịch. Trong đó, xác định rõ danh mục các điểm tài nguyên đưa vào phương án điều tra.

Sử dụng phần mềm nhập thông tin và tổng hợp kết quả, dữ liệu về tài nguyên du lịch gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch Chuẩn bị công cụ hỗ trợ công tác điều tra thu thập thông tin (phiếu điện tử trên thiết bị di động (CAPI), phiếu điện tử trực tuyến (Webform), mẫu biểu tổng hợp tiến hành điều tra tài nguyên du lịch theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch...

Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng báo cáo kết quả điều tra tài nguyên du lịch. Triển khai thực hiện công tác khảo sát, thu thập thông tin, điều tra tài nguyên du lịch. Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để đảm bảo công tác điều tra thực hiện kịp thời, chính xác.

Tổ chức tổng hợp, làm sạch thông tin điều tra. Thành lập Đoàn khảo sát để thực hiện nhiệm vụ đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch (Yêu cầu đối với thành viên, cán bộ đoàn khảo sát: Là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch). Căn cứ vào kết quả điều tra và kết quả đáng giá, phân loại, xếp hạng tài nguyên du lịch, hàng năm công bố kết quả tiến hành lưu trữ và nhập dữ liệu vào hệ thống phiếu mẫu điều tra các loại tài nguyên du lịch của tỉnh nói riêng và của Quốc gia nói chung.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đầu mối của tỉnh phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức thực hiện công tác điều tra tài nguyên du lịch. Xây dựng phương án tiến hành tổ chức điều tra tài nguyên du lịch trên cơ sở kế hoạch, phương án điều tra tổng thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thành lập Đoàn khảo sát, tuyển chọn đội ngũ điều tra viên tham gia các khóa tập huấn, hướng dẫn và triển khai điều tra tài nguyên du lịch; cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến tài nguyên du lịch trên địa bàn.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình thực hiện công tác điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan đến tài nguyên du lịch thuộc chức năng, nhiệm vụ phạm vi quản lý của địa phương, đơn vị.

Thu Hà

Nguồn: Tạp chí ĐT thiên nhiên & môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 19/10/2024

Cùng chuyên mục