Đà Nẵng: Làm mới sản phẩm du lịch chất lượng cao
Làm mới các sản phẩm du lịch chất lượng cao góp phần thu hút đa dạng thị trường khách. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm chèo thuyền tại Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài. Ảnh: Thu Hà
Liên tục bổ sung thêm sản phẩm
Thông tin từ Sở Du lịch, so với thời điểm trước dịch bệnh, các thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng trong năm nay có sự dịch chuyển đáng kể. Một số thị trường khách truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều giảm, đặc biệt là Hàn Quốc giảm 8,5%, Trung Quốc giảm 13,6%. Bù đắp sự sụt giảm này là sự tăng trưởng của một số thị trường mới như Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,1%, Ấn Độ tăng 4,2%, Australia tăng 1,1%, Nga tăng 1,4%...
Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách truyền thống sang các điểm đến mới, đồng thời cũng thể hiện rõ hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường khách quốc tế bằng các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường, khôi phục phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp, tăng cường tổ chức lễ hội, sự kiện thu hút khách và truyền thông, quảng bá điểm đến thành phố trong thời gian qua... Bên cạnh đó, để duy trì và thu hút khách, ngành du lịch bổ sung, làm mới các sản phẩm, trải nghiệm cho du khách tại điểm đến.
Bà Lâm Nhật Quỳnh Châu, đại diện Khối thương hiệu vui chơi, giải trí - Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho biết, với sự nỗ lực làm mới các sản phẩm của khu, điểm du lịch, từ đầu năm đến nay lượng khách đến tham quan tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đạt 116% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó riêng lượng khách quốc tế tăng trưởng tới 127%. Con số trên cho thấy vai trò, hiệu quả của việc làm mới và xây dựng sản phẩm mới đối với ngành du lịch. Do đó, bà Quỳnh Châu đề xuất thành phố cần có giải pháp kết nối, mở đường bay mới hoặc gia tăng thêm đường bay thẳng tới Đà Nẵng.
Ngoài những đường bay truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan cần tăng cường quảng bá xúc tiến đến các thị trường quốc tế tiềm năng mới như: Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, các nước châu Âu…; tiếp tục có những giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, điểm đến phát triển du lịch đêm, đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến về đêm sôi động, hấp dẫn; sớm công bố kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch năm 2025 để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội tham gia.
Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh nhìn nhận, để du lịch Đà Nẵng phát triển bền vững thì cần phải xây từ gốc. Hiện thành phố có rất nhiều sự kiện được tổ chức hằng năm, có thể duy trì và làm mới các sự kiện này cũng là cách để thu hút khách.
Theo đó, việc đa dạng hóa các sản phẩm sự kiện, lễ hội sẽ giúp đưa Đà Nẵng trở thành thành phố chuyên tổ chức về các sự kiện âm nhạc lớn của các ca sĩ trong và ngoài nước. Cùng với đó, có thể xây dựng Đà Nẵng là điểm đến du lịch xanh, phát triển bền vững, văn minh và an toàn bằng cách tổ chức một giải thưởng liên quan đến các tiêu chí này dành cho các cơ sở lưu trú; bổ sung thêm các trung tâm mua sắm lớn kết hợp vui chơi giải trí, mua sắm đồ lưu niệm…
Bổ sung, làm mới các sản phẩm du lịch là một cách hiệu quả để thu hút khách. Trong ảnh: Khách quốc tế vui chơi tại Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: Thu Hà
Mở rộng thu hút khách từ các thị trường xa
Ông Đoàn Hải Đăng, đại diện Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cho rằng Đà Nẵng vẫn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước nhưng hiện nay chủ yếu mới đang khai thác khách tại các thị trường quốc tế gần. Do đó cần đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường xa như châu Âu, bắc Mỹ (Mỹ và Canada).
Một số thị trường xa nay hiện nay khách đến Đà Nẵng có thể bay nối chuyến từ hai đầu đất nước nhưng chi phí sẽ tăng cao, nhưng nếu có đường bay thẳng sẽ lợi thế hơn rất nhiều. Đây là dòng khách có mức chi tiêu cao, thích các trải nghiệm văn hóa bản địa, nếu khai thác tốt sẽ góp phần đa dạng hóa các thị trường khách cho thành phố. Mặt khác, thành phố cũng cần quan tâm, khai thác các dòng khách tại chỗ như khách thể thao, khách ưa thích du lịch mạo hiểm như leo núi, lặn ngắm san hô, phát triển kinh tế đêm đúng nghĩa như các quốc gia mạnh về du lịch đang làm…
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, từ đầu năm đến nay hoạt động du lịch thành phố đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng khách lưu trú của Đà Nẵng trong 9 tháng qua ước đạt 8,67 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 163% cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 3,17 triệu lượt, tăng 30%, bằng 134% so cùng kỳ năm 2019; khách nội địa ước đạt hơn 5,49 triệu lượt, tăng 34%, bằng 186% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần triển khai, vì thế thời gian tới ngành sẽ tập trung tháo gỡ để triển khai 3 khâu đột phá, thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố gồm: đột phá về sản phẩm du lịch như khai trương Bảo tàng Đà Nẵng (42 Bạch Đằng), các sản phẩm dịch vụ và show diễn mới tại khu điểm du lịch, triển khai chiến dịch Danang food tour (tour du lịch ẩm thực), tour thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ, bán đảo Sơn Trà…; đột phá về xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch, duy trì tăng trưởng thị trường khách Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); mở rộng và khai thác thị trường khách Trung Quốc, Úc, Mỹ, Trung Đông, Uzerbekistan, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á; đột phá về chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực phục du lịch trong đó xây dựng, công bố và tổ chức áp dụng Bộ tiêu chí “Chất lượng cao” trong hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức tọa đàm, tập huấn kỹ năng nghề, chia sẻ kinh nghiệm, xử lý tình huống phục vụ khách, thí điểm tổ chức xếp hạng hướng dẫn viên du lịch…
Thu Hà