Thừa Thiên Huế: Bắt nhịp cho du lịch mua sắm
Hội Lữ hành cùng các doanh nghiệp khảo sát ở Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế để xây dựng sản phẩm du lịch mua sắm
Cơ hội cho du lịch mua sắm
Đến Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, chúng tôi gặp không ít du khách ngoại tỉnh, khách nước ngoài, nhất là vào buổi trưa, tối. Chị Dương Nguyễn Xuân Thanh, đến từ Hà Tĩnh chia sẻ: “Tranh thủ lúc đợi nhận phòng khách sạn, mình đến Aeon Mall mua ít đồ. Có trung tâm thương mại lớn rất hay, ngày đi các điểm tham quan, tối lại về vui chơi, mua sắm”.
Từ lâu, mua sắm đã được xem là yếu tố mang tính bổ sung và đóng góp trải nghiệm cho du khách trong chuyến du lịch. Đặc biệt, một trong những sở thích, thói quen của du khách là mua các đặc sản địa phương về làm quà. Đời sống đi lên, nhu cầu mua sắm càng tăng và thực sự đã trở thành một trong những yếu tố có sức ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định du lịch của du khách. Cũng từ đó, vài năm trở lại, người ta nhắc nhiều đến khái niệm “du lịch mua sắm” (shopping tourism).
Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, trong các chuyến du lịch nước ngoài, đơn vị lữ hành thường lồng ghép để đưa khách đến các trung tâm thương mại, bởi đây là trải nghiệm khách có nhu cầu cao. Đó cũng là một cơ hội lớn để mang lại nguồn thu cho điểm đến. Thực tế, sự ra đời của Aeon Mall là cơ hội lớn cho du lịch Huế, vì nhu cầu khách nội địa, khách châu Á về mua sắm, giải trí là rất lớn, từ đó có thể kéo dài thời gian lưu trú của khách. “Aeon Mall Huế là trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung. Trước nhu cầu lớn của khách, có thể kéo khách từ nhiều tỉnh, thành miền Trung về trải nghiệm”, bà Lý phân tích.
Tại Huế, du lịch kết hợp mua sắm bước đầu đã được hình thành. Khách có nhu cầu tham quan, mua sắm tại các ngôi chợ truyền thống, đặc biệt là ở chợ Đông Ba. Song, nhìn chung các chợ dân sinh vẫn khó để tạo sức hấp dẫn thực sự với du khách, khó để các đơn vị lữ hành xây dựng tour một cách bài bản, chuyên nghiệp, trong khi đó, thời điểm trước đây, Huế còn thiếu các trung tâm thương mại đẳng cấp có thể hút khách du lịch.
Theo các chuyên gia du lịch, du lịch mua sắm là phân khúc du lịch tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mua sắm cho du khách. Khách đi du lịch ngoài nhu cầu mua sắm đặc sản, đồ lưu niệm, quần áo, trang sức, mỹ phẩm… còn có nhu cầu mua các mặt hàng khác thông qua các mô hình như cửa hàng mua sắm miễn thuế, trung tâm bán hàng giảm giá, các chương trình ưu đãi dành cho các đoàn khách du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho rằng, các hình thức chi tiêu của du khách là một trong những nguồn đóng góp quan trọng vào doanh thu du lịch của các điểm đến. Đối với loại hình du lịch mua sắm, chi tiêu của du khách rất quan trọng, bởi đây là động lực chính của họ khi thực hiện chuyến đi. Cùng với các chợ truyền thống, sự ra đời của các trung tâm thương mại lớn như Aeon Mall Huế sẽ góp phần đa dạng hóa trải nghiệm mua sắm, từ đó khuyến khích du khách chi tiêu khi đi du lịch, mang lại nhiều lợi ích cho sự tăng trưởng trong doanh thu của điểm đến.
Nghiên cứu đưa vào tour tuyến
Theo Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Dương Thị Công Lý, tại trung tâm thương mại ở nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác đều có chính sách cho du lịch, đặc biệt là du khách và doanh nghiệp lữ hành. Điều đó sẽ kích thích du khách mua sắm, chi tiêu cho hoạt động du lịch và doanh nghiệp đưa khách đến trung tâm thương mại, mục tiêu lớn nhất là tạo nhiều trải nghiệm tốt nhất cho khách.
Tham khảo mô hình các nước, có nhiều cách để kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và thương mại, trong đó có thể hợp tác với trung tâm thương mại đưa dịch vụ ăn uống vào tour. Bà Lý gợi ý: “Trong tour có thể bán vé ăn uống cho du khách tại trung tâm thương mại thay vì ra nhà hàng. Chẳng hạn, mỗi vé 200.000 đồng. Khách có thể bù tiền nếu ăn vượt số tiền, hoặc được thối lại tiền nếu ăn chưa tới số tiền ấy. Điểm hay từ mô hình này là khách có thể tùy nhu cầu lựa chọn đồ ăn; vừa có thể ăn uống mua sắm trong cùng một khu vực để chủ động lịch trình, tiết kiệm thời gian”.
Đại diện Hội Lữ hành tỉnh cho hay, du lịch kết hợp mua sắm sẽ góp phần giúp doanh nghiệp và du khách chủ động xây dựng lịch trình hơn. Thông thường, 12 giờ khách phải trả phòng nhưng có thể 15-16 giờ mới lên máy bay, việc đưa khách đến trung tâm thương mại có thể giảm thiểu nỗi lo chờ đợi giờ ra sân bay; linh hoạt khi máy bay bị trễ chuyến, ứng dụng giải pháp đổi lịch trình trong điều kiện thời tiết mưa lớn…
Theo các doanh nghiệp lữ hành, chắc chắn thời gian tới, sẽ đưa hoạt động mua sắm ở Aeon Mall Huế vào tour. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển hiệu quả lâu dài, cần có sự hợp tác chặt chẽ, trong đó Hội Lữ hành và các doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi, góp ý, bàn bạc chiến lược hợp tác với trung tâm thương mại. Có nhiều hình thức kết hợp, trong đó có thể động viên các nhãn hàng phát voucher giảm giá cho khách đoàn, chương trình mua số tiền lớn có chính sách ưu đãi khuyến mãi, hay chính sách kích cầu cho doanh nghiệp du lịch đưa khách tới.
Quá trình hợp tác, các doanh nghiệp lữ hành và trung tâm thương mại, các nhãn hàng, điểm mua sắm có thể cùng trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, mục đích lâu dài là hợp tác mang lại lợi ích cho các bên và giúp ngành du lịch phát triển.
Hữu Phúc